Làng văn hóa các dân tộc thiểu số giữa đại ngàn A Lưới

TPO - Kiến trúc đặc trưng độc đáo, vị trí tọa lạc giữa khu bảo tồn sim rừng bạt ngàn hoa lá, bao quanh là đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, Làng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới hứa hẹn là điểm đến mới về tham quan du lịch, giao lưu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao Thừa Thiên-Huế.

Chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. VIDEO: Ngọc Văn

Dịp Quốc khánh năm nay, Làng văn hóa các dân tộc thiểu số A Lưới (gọi tắt là Làng văn hóa) dự kiến khánh thành đi vào hoạt động, trở thành điểm đến mới hấp dẫn về tham quan du lịch, bảo tồn, giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội truyền thống đặc sắc truyền đời của các dân tộc anh em.

Khởi công tháng 5/2023, dự án Làng văn hóa giai đoạn 1 có giá trị đầu tư 21 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Vị trí tọa lạc của Làng văn hóa nằm giữa khu bảo tồn sim rừng thuộc xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Dự án gồm tổ hợp khối nhà sinh hoạt cộng đồng chung các dân tộc thiểu số, nhà sàn truyền thống của đồng bào Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô và các hạng mục sân, vườn, cây xanh, đường giao thông, điện, nước, trang trí cảnh quan, đường sá, được xây dựng trên tổng diện tích 5 ha.

Nhà sinh hoạt cộng đồng chung các dân tộc thiểu số A Lưới.

Nhà sàn của người Pa Cô.

Nhà truyền thống của người Tà Ôi tại Làng văn hóa.

Ngôi nhà của đồng bào Cơ Tu.

Đến nay, các công trình chính thuộc giai đoạn 1 của dự án đã cơ bản hoàn tất.

Những nét đặc trưng kiến trúc văn hóa vùng cao A Lưới tụ hội tại Làng văn hóa.

Khu bảo tồn sim rừng đang mang một diện mạo mới, với tổ hợp công trình xây dựng mang đậm đặc trưng kiến trúc vùng cao của Làng văn hóa.

Theo Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, với lợi thế là địa phương có nhiều lễ hội văn hóa, ngành nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy hiệu quả và công nhận di sản văn hóa, Làng văn hóa hình thành đi vào hoạt động sẽ trở thành không gian tái hiện nhiều lễ hội văn hóa đặc trưng, sinh hoạt thường nhật, cũng như nét đẹp truyền thống độc đáo của đồng bào vùng cao.

Đây cũng sẽ là điểm du lịch cộng đồng độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, qua đó giải quyết công ăn việc làm cho cộng đồng, tạo nguồn thu nhập, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh văn hóa truyền thống và cảnh quan sinh thái núi rừng tự nhiên đầy sức hấp dẫn của địa phương vùng cao.

A Lưới là huyện miền núi vùng cao, biên giới phía Tây của tỉnh Thừa Thiên- Huế, với dân số 14.343 hộ/54.402 nhân khẩu, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 76,8%, gồm 5 dân tộc chính sinh sống là Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh và một vài dân tộc khác nhập cư trong những năm gần đây.