Từng chết người vì bom phế liệu
Khi vụ nổ kho đạn dược ở thôn Quan Độ xảy ra, không ít người dân nơi đây cho rằng vận đen đang “ám ảnh” vùng đất này bởi trước đó chưa đầy một tháng, Trường Tiểu học Văn Môn sập lan can khiến cho 16 học sinh phải nhập viện. Cũng trong vòng khoảng hơn một tháng gần đây liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy lớn trên địa bàn thôn Quan Độ gây thiệt hại lớn về tài sản. Và vụ nổ kho đạn đã cướp đi 2 sinh linh nhỏ bé đồng thời gây thương tích nặng cho 9 người khác.
Xa hơn chút nữa, cách đây hơn 10 năm, chính một người em “đồng hao” của ông Nguyễn Văn Tiến (chủ kho phế liệu phát nổ ngày 3/1 vừa qua) khi dùng đèn xì để cắt một quả bom tại kho phế liệu của ông Tiến, tưởng đã rút hết thuốc nổ nhưng đã bị quả bom phát nổ khiến cho một phần cơ thể bay biến và chết khi đưa đến bệnh viện… “Gần đây, tôi thống kê trong số hơn 10 người chết trong năm nay của thôn Quan Độ thì có đến 8 người do ung thư, chưa kể 2 cháu bé vừa qua đời hôm qua”, ông Nguyễn Văn Lý, trưởng thôn Quan Độ đau xót.
Thôn Quan Độ trước đây khá nghèo, người dân hầu như chỉ làm nông nghiệp. Tuy nhiên, nghề thu mua phế liệu ở đây đã tạo nên một diện mạo mới cho làng quê này từ khoảng những năm 1990. Ban đầu chỉ gồm một vài hộ thu mua máy móc thanh lý về mổ, xẻ, phân loại để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề tái chế nhôm, đồng…
Nhưng đến nay, toàn thôn Quan Độ có khoảng hơn 100 hộ làm đầu mối thu mua phế liệu và khoảng 30-40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Nghề thu mua, phân loại phế liệu đã đem lại nguồn thu lớn, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Theo ông Lý, hiện nay số “tỷ phú” trong làng không hiếm, có thể nói là “ra ngõ gặp tỷ phú”. Đáng chú ý, một lao động bình quân ở thôn Quan Độ có thể có thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường.
Những “mánh lới” trong nghề phế liệu
Người trong nghề thu mua phế liệu cũng luôn phải tìm cho mình một mối hàng độc, không phải cạnh tranh với ai. Nhất là đối với phế liệu từ các đơn vị, các ngành thì luôn phải biết “nuôi” quan hệ cho tốt. Với những mối hàng liên quan đến phế liệu trong lĩnh vực quân sự quốc phòng, không phải ai cũng có “mối”.
Tính ra cả thôn Quan Độ chỉ có hai người là ông Nguyễn Văn Tiến và một người nữa. Mặt hàng cực kỳ đa dạng như những máy móc lâu ngày đã hỏng, những vỏ bom, mìn đã được xử lý, những đầu máy, ô tô hỏng cũ không thể sử dụng được, cho đến cả một lượng lớn bom, mìn, đạn…. đào lên từ lòng đất đã được xử lý bằng cách rút hết thuốc nổ rồi bán ra bên ngoài.
Bản thân trưởng thôn Nguyễn Văn Lý cũng là một trong những người đầu tiên cùng với Nguyễn Văn Tiến tham gia vào “đường dây” thu mua phế liệu quốc phòng. Ông Lý còn nhớ rất rõ, đó là vào những năm 90 của thế kỷ trước, ông và ông Nguyễn Văn Tiến khi đó đều là những người “tay trắng” nhưng nhờ “quan hệ tốt” đã mua được một lô hàng chục chiếc xe xích cũ, hỏng của một đơn vị quân đội. “Phi vụ” đó thành công nhưng ông Lý không có tiền và có “gan” để tiếp tục cuộc chơi. “Lúc đó, họ bảo tôi đóng tiền để trở thành một người làm trong đơn vị của họ, thậm chí sau này vẫn có lương của quân đội đàng hoàng.
Đây là điều kiện thuận lợi để đi “quan hệ” được với các đơn vị trong ngành nhưng lúc ấy tôi không làm”, ông Lý kể. Sau này, khá nhiều người trong thôn biết tiếng gia đình ông Nguyễn Văn Tiến là đầu mối thu mua được nhiều những phế liệu “khủng” trong lĩnh vực quân sự quốc phòng. Nhiều năm trước, người ta còn thấy cả những đầu, cánh máy bay, tên lửa, xe tăng… cũ nát được kéo về kho hàng nhà ông. Theo nhiều người dân nơi đây, ông Tiến là một trong những người giàu có nhất ở thôn Quan Độ, hiện đang sở hữu ngôi nhà gần chục tầng ở thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) và một số mảnh đất khác.
Chính quyền “thả nổi”
Mặc dù sát khu vực xảy ra vụ nổ ngày 3/1 nhưng bà Nguyễn Thị Thoa không hề biết rằng bà đang sinh sống bên cạnh một kho vũ khí khổng lồ với khoảng 7 tấn đạn dược được để lộ thiên giữa sân. “Tôi không hề biết là bên nhà ông Tiến chuyển về khi nào. Với lại, ở đây không ai quan tâm lắm đến việc ai mua, bán cái gì. Chỉ nghĩ đơn giản nó là phế liệu thì ai để ý”, bà Thoa cho biết.
Không chỉ bà Thoa, kể cả đại diện chính quyền xã Văn Môn cũng “lắc đầu” khi phóng viên hỏi về việc quản lý các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn. Ông Nguyễn Hoàng Gia, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết: Đây không phải là việc của xã. Việc đó hầu như vượt tầm của cấp xã quản lý. Và người ta mang về tối thì mình cũng không biết được.
Chúng tôi cũng không được phép để kiểm tra các mặt hàng về địa phương là hàng gì, có ô nhiễm hay không, có nguy hại đến con người hay không. Nghi ngờ thì phải có các lực lượng chức năng khác kiểm tra mới được. Cấp huyện thì anh phải đi hỏi ở trên đấy mới biết”, ông Gia nói.
Phóng viên Tiền Phong đã cố gắng liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Bang, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong và Trưởng, phó phòng Tài nguyên môi trường huyện Yên Phong để tìm hiểu về vấn đề này thì những người này đều không nhấc máy hoặc trả lời “đang đi kiểm đếm, bận lắm”. Tại trụ sở UBND huyện Yên Phong, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời, lãnh đạo huyện về hết Văn Môn giải quyết rồi.
Người dân hoang mang
Trở lại Quan Độ sau một ngày xảy ra vụ nổ, chúng tôi cảm nhận được không khí nặng nề vẫn bao trùm cả thôn vốn trước đây luôn rất nhộn nhịp. Ngồi trước cửa ngôi nhà cấp 4 ngổn ngang bụi đất, gạch ngói và những đoạn tôn cong queo trước mắt, anh Nguyễn Văn Trọng không khỏi buồn bã. Anh Trọng cho biết, chắc gia đình sẽ mất thêm vài chục triệu đồng để sửa lại.
Nhưng còn một nỗi lo nữa mà anh Trọng và nhiều người dân trong thôn Quan Độ nói đến là việc làm sao các cơ quan chức năng tìm kiếm, xử lý hết số đạn đã bay vào nhà dân để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho dân. Bà Nguyễn Thị Thoa cho biết, mấy hôm nay lo ngại cho việc có thể phát nổ nữa, bà đã phải cho cháu nội của bà đi “sơ tán” ở nơi khác. Nhiều người trong thôn Quan Độ cũng ở trong tình trạng tương tự. Họ cũng băn khoăn không biết rồi đây ai sẽ là người bồi thường những tổn thất này.
Trưởng thôn Nguyễn Văn Lý không khỏi bùi ngùi và tự nhận rằng thôn Quan Độ hiện nay đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế nhưng đang phải trả những giá rất đắt cho sự phát triển này. Đặc biệt, nếu không có sự tham gia, quản lý chặt chẽ từ phía chính quyền địa phương trong thời gian tới. “Hiện nay, lượng dầu mỡ từ phế thải từ hàng chục năm nay đã ngấm vào nguồn nước của Quan Độ trong khi người dân ở đây chủ yếu dùng nước giếng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe dân mà số người chết vì ung thư ngày càng tăng là một ví dụ điển hình.
Việc quản lý các đồ phế thải cũng rất lỏng lẻo khiến cho liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn lớn đến mức xe chữa cháy hết sạch cả nước vẫn không dập tắt được. Đặc biệt vụ nổ vừa qua cho thấy các cấp chưa quản lý các phế liệu chứa vật liệu nổ ra, vào trong thôn mới để xảy ra tình trạng đau xót như vừa qua. Hi vọng là qua đợt này, các cấp ngành chức năng quan tâm hơn đến lĩnh vực quản lý phế liệu để người dân chúng tôi yên tâm sinh sống”, ông Lý chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, Cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1964) về hành vi “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. Cũng theo báo cáo của Công an tỉnh Bắc Ninh ngày 4/1, vụ nổ làm căn nhà cấp 4 chứa đầu đạn của gia đình ông Tiến bị đổ sập hoàn toàn, tạo hố sâu có kính thước 13,5m x 8,5m x 3m. Vụ nổ làm 6 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn gồm 5 nhà cấp 4, 1 nhà trần; trong đó có 4 căn nhà cấp 4 “mất tích” hoàn toàn. Ngoài ra, có khoảng 100 căn nhà dân tại khu vực lân cận bị ảnh hưởng, hư hỏng (vỡ cửa kính, nứt tường, trần nhà,…). Bước đầu, ông Nguyễn Văn Tiến chủ nhà xảy ra vụ nổ khai nhận: Khoảng tháng 12/2016 có thu mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12,7 li và 14,5 li về để tháo dỡ phế liệu. Số đầu đạn trên được tập kết tại khu vực sân vườn nhà ông Tiến và gây ra vụ nổ.