Và mới đây, chính Bộ GTVT nói sẽ báo cáo Chính phủ đề nghị sửa Nghị định 18 để dừng thu phí xe máy trên cả nước.
Được biết với 4,5 triệu chiếc xe máy, song năm 2013 Hà Nội chỉ thu được 55 tỷ đồng (chiếm 14% kế hoạch), năm 2014 được 36 tỷ đồng (13%) và 6 tháng đầu năm 2015 mới thu được gần 3 tỷ đồng. Trong khi đó, cả nước dự kiến thu khoảng 2.600 tỷ đồng/năm với xe máy, nhưng năm 2013 chỉ thu được 520 tỷ đồng, năm 2014 được 500 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2015 mới thu được khoảng 180 tỷ đồng (chiếm 7%).
Như vậy, một quy định pháp luật ra đời từ cách đây 2 năm song với những số liệu nêu trên cho thấy, đến nay nó hoàn toàn không khả thi trên thực tế. Nhiều ý kiến đã phân tích kỹ các khía cạnh bất hợp lý của chính sách thu phí với xe máy - một phương tiện đi lại thiết yếu, phổ biến và bình dân với hàng chục triệu người trên cả nước.
Trong đó nổi rõ lên tính bất bình đẳng - nơi thu được, chỗ không và thiếu chế tài để xử lý. Gia đình nào có ý thức chấp hành luật pháp thì khai đúng và đủ số lượng, chủng loại xe máy, ngược lại có người chẳng đóng cũng không sao. Và quan trọng hơn, từ mỗi chiếc xe máy cho đến mỗi lít xăng, khi đến tay người dân đã chịu quá nhiều loại thuế và lệ phí, giờ thêm phí đường bộ quả là bất hợp lý!
Người dân, nhất là đông đảo tầng lớp người lao động, thở phào nhẹ nhõm vì sắp “thoát” thêm một loại phí trong biết bao khoản chi “giật gấu vá vai” trong cuộc sống hằng ngày. Và do đó, chắc chắn đề xuất của Bộ GTVT sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân cả nước.
Chỉ có điều, với những người đề xuất và ban hành chính sách, xin hãy suy tính kỹ càng trước khi ra quyết định - nhất là những quyết định có tác động tới số đông. Đừng để chính sách vừa ban hành đã phải sửa hoặc đề nghị hủy bỏ, lệ phí xe máy chỉ là một trong nhiều ví dụ gần đây mà thôi. Suy cho cùng, ban hành một chính sách thất bại cũng là một sự lãng phí không nhỏ cho toàn xã hội.