Bởi từ nay, những thông tin “biết rồi, khổ lắm nói mãi” thường xuyên vang lên rất không đúng lúc, đúng chỗ sẽ chấm dứt. Thay vào đó, loa phường chỉ phát thanh khi có thông báo khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh...
Thực ra, dư luận báo chí cũng đã quay đi quay lại chủ đề “loa phường” cả chục năm nay, nhưng chỉ đến khi Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chính thức yêu cầu Sở TT&TT Hà Nội lấy ý kiến người dân về vấn đề này, câu chuyện loa phường mới thực sự được quan tâm, lắng nghe một cách nghiêm túc.
Ông Chung cho rằng, đã đến lúc loa phường hoàn thành sứ mệnh của mình. Và kết quả lấy ý kiến người dân của Sở TT&TT đã phản ánh đúng nhận định của người đứng đầu thành phố : 90% số người được hỏi nói nên bỏ loa phường, 90% ý kiến cũng cho rằng thông tin từ loa phường không có ích.
Phương thức truyền thông cổ lỗ từ thời bao cấp, từ thời hầu hết người dân còn chưa có cả tivi lẫn điện thoại cố định, đáng ra phải kết thúc sớm hơn rất nhiều, khi ai ai cũng có điện thoại di động, khi cả nhân loại đã bước sang thời đại của internet, của trí tuệ nhân tạo và cuộc cách mạng 4.0.
Loa phường đã hết thời, bởi phương thức truyền thông này đã không cho phép người dân có quyền lựa chọn, từ thời điểm, âm lượng cho tới nội dung thông tin họ được nghe. Hơn nữa, đây lại là kênh thông tin một chiều, không có công cụ tương tác hay phản hồi.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của KHCN, truyền thông càng ngày càng cần phải tinh tế, đúng lúc và đúng chỗ. Không thể ra mệnh lệnh hoặc oang oang bên tai như thời chiến, càng không thể làm ảnh hưởng tới quyền được nghỉ ngơi, yên tĩnh của công dân thời “thông tin trên đầu ngón tay” như hiện nay.
Tuy có chậm, nhưng đây là quyết định đúng đắn, hợp lòng dân của Hà Nội. Trong một xã hội dân chủ và văn minh, không thể cứ duy ý chí mãi được, hãy lắng nghe và tìm cách đáp ứng những mong mỏi chính đáng của người dân. Đó là phương cách tốt nhất để lãnh đạo và quản lý xã hội, để phục vụ nhân dân.