“Romeo- Julie” Việt nhiều phiên bản
Chuyện tình của cô gái Nguyễn Thị Lan và chàng trai Vũ Khắc Điệp trong tiểu thuyết Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan được coi là “Romeo- Juliet” phiên bản Việt. Năm 1936, soạn giả Trần Hữu Trang là người đầu tiên chuyển thể tiểu thuyết thành vở cải lương Lan và Điệp, được các nghệ sĩ cải lương thời đó như Năm Phỉ (Vai Lan), Tư Út (Vai Điệp)... đóng và gây tiếng vang với giới mộ điệu cải lương.
Năm 1948, trung tâm băng nhạc Asia cho thu âm vở cải lương này vào 4 đĩa nhựa với tựa đề mới là Hoa rơi cửa Phật, với sự tham gia của 4 nghệ sỹ nổi tiếng ngày đó là Tư Rạng, Năm Nghĩa, Tám Thưa, Hồng Châu… Năm 2000, hãng phim Tình sản xuất vở cải lương Lan và Điệp với sự tham gia của các nghệ sỹ như Phi Nhung, Mạnh Quỳnh, Út Bạch Lan, Thanh Hằng, Thoại Mỹ. Năm 2008, sân khấu Trần Hữu Trang dàn dựng lại vở diễn này với Tấn Giao, Hà My…
Trước đó, năm 1972 hãng phim Dạ Lý Hương quay bộ phim Tình Lan và Điệp đạo diễn Lý Dân và các nghệ sỹ Thanh Nga, Bạch Tuyết, Ba Vân, Ngọc Giàu, Năm Châu…. Năm 1988, hãng phim truyện Việt Nam tiếp tục sản xuất lại bộ phim Lan và Điệp do 2 đạo diễn Trần Vũ, Nguyễn Hữu Luyện thực hiện.
Về âm nhạc, năm 1965, các nhạc sỹ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng chung tay viết 3 ca khúc là Chuyện tình Lan và Điệp (Ký bút danh là Mạc Phong Linh). Cả 3 ca khúc trở nên nổi tiếng khiến người ta nhớ tới bút danh Mạc Phong Linh nhiều hơn là tên của 3 nhạc sỹ chung tay. Năm 2008, cố ca sĩ Minh Thuận gây tiếng vang khi dàn dựng vở ca vũ kịch cải lương Lan và Điệp với sự tham gia của các ca sỹ như Minh Thuận, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Ngọc…
Nét duyên “Lan và Điệp” 45 năm sau
Vở Lan và Điệp để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất với khán giả là bản thu Audio đĩa cải lương năm 1974 do soạn giả Loan Thảo thực hiện với sự tham gia của các giọng ca Chí Tâm (Điệp), Thanh Kim Huệ (Lan), Tú Trinh, Hữu Phước,… Qua tài năng của Loan Thảo, vở diễn dường như được “đo ni đóng giày” cho cả hai diễn viên trẻ. Đĩa cải lương Lan Và Điệp tạo nên cơn sốt một thời gian dài, đưa Chí Tâm và Thanh Kim Huệ trở thành ngôi sao. Đến nay, bản thu âm Lan và Điệp 1974 vẫn được xem là bản thu âm chuẩn mực nhất của tác phẩm, được nhiều người tìm nghe nhiều nhất.
Chính vì thế, khi dựng lại vở diễn này, đạo diễn Gia Bảo đã lựa chọn bản thu âm năm 1974, đồng thời mời cả hai diễn viên Chí Tâm cùng Thanh Kim Huệ vào lại vai diễn. Gia Bảo cho biết: “Tôi mời cả hai diễn viên này vì suốt 45 năm qua, họ chưa diễn lại cùng với nhau. Ngoài ra, dù sau này có nhiều diễn viên đã vào vai Lan và Điệp nhưng khán giả vẫn đánh giá cao nhất cặp đôi Chí Tâm- Thanh Kim Huệ trong vở diễn”.
Đúng như Gia Bảo dự đoán, hai đêm diễn nhà hát Bến Thành không còn một chỗ trống, khán giả say mê, đắm đuối với câu chuyện tình bi ai của Lan và Điệp. Từng tràng pháo tay không ngớt. Cả hai diễn viên dù bước vào tuổi “Xưa nay hiếm”, nhưng vào vai rất duyên, rất ngọt. Diễn viên Minh Nhí, người cũng tham gia vở diễn thốt lên: “Lần đầu tiên trong đời tôi được đóng chung với chị Lan anh Điệp mà tôi đã nghe hàng nghìn lần. Trong hai đêm diễn, ngoài những lúc trên sân khấu, tôi đứng ở cánh gà để nghe, xem và…. khóc”.
Vở diễn Lan và Điệp nằm trong chuỗi chương trình Tài danh đất Việt do Gia Bảo khởi xướng. Năm 2015, Gia Bảo giới thiệu vở Nửa đời hương phấn với sự tham gia của cố NSƯT Út Bạch Lan, cố NSƯT Thanh Sang, NSND Lệ Thủy, NSND Minh Vương.... Năm 2018 vở Đời cô Lựu được tái dựng với sự tham gia của NSND Bạch Tuyết, NSND Ngọc Giàu, NSND Minh Vương, NSƯT Thanh Điền. Vở Lan và Điệp sẽ tiếp tục lưu diễn tại Đà Nẵng.