Ngày 3/7, tại thành phố Đà Lạt, Trung tâm lưu trữ quốc gia IV khai mạc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Ban Tổ chức đưa ra các tài liệu, hiện vật tiêu biểu được chọn lựa trong hàng vạn tài liệu, thư tịch cổ của Việt Nam và quốc tế bao gồm các tư liệu, hiện vật, văn bản có niên đại từ thế kỷ XVI – XX được trích ra từ những bộ chính sử của triều đình; các bản đồ Việt Nam thời quân chủ và bản đồ xuất bản tại phương Tây từ thế kỷ XVI-XIX chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa
Một phiên bản Mộc bản khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa
Đặc biệt, lần đầu tiên 9 phiên bản Mộc bản triều Nguyễn khắc về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo nói trên được đưa ra trưng bày. Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới vào năm 2009.
Mộc bản là những tấm gỗ quý được khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm (chữ khắc ngược) dùng để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi các chuẩn mực xã hội, điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo; lưu truyền công danh sự nghiệp của vua chúa, các sự kiện, biến cố lịch sử, tiễu trừ giặc giã…Tất cả các bản thảo đều được Hoàng đế “Ngự lãm”, phê duyệt trước khi giao cho những người thợ tài hoa khắc lên gỗ.
Những tấm ván khắc màu sáng trắng, hoặc xám đen in dấu thời gian hàng trăm năm nhưng chữ vẫn sắc nét, đẹp đến lạ lùng. Mỗi chữ viết, nét khắc dường như đều có thần, khi thì mềm mại uyển chuyển, lúc lại cứng rắn kiên cường.
Mộc bản là khối tài liệu vừa độc đáo về chất liệu và phương pháp chế tác, vừa phong phú đa dạng về nội dung; có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Khách tham quan triển lãm
Triển lãm lần này nhằm tuyên truyền sâu rộng để du khách trong nước và quốc tế hiểu và tiếp cận góc độ pháp lý một cách cơ bản nhất về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.