Nhằm đổi mới hình thức tổ chức Lễ hội Đền Hai Bà Trưng, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mê Linh tham mưu lãnh đạo huyện thay đổi giờ, chương trình khai mạc lễ hội.
Lễ hội dự kiến diễn ra vào tối mùng 6 Tết thay vì tổ chức vào buổi sáng như mọi năm. Đồng thời, trong đêm khai mạc, BTC lễ hội thực hiện trình diễn công nghệ ánh sáng nhằm tái hiện cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội đối với các lễ hội lớn do Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội tổ chức ngày 23/1, nhằm thực hiện hóa kế hoạch số 19/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024.
Bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - nhấn mạnh các quận, huyện cần quan tâm hơn nữa đến khu vực phụ trợ như nơi sắp lễ, nơi thưởng thức phần hội, vệ sinh môi trường, bãi để xe,... Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội khẳng định nếu có sai phạm phải lập tức xử lý.
"Năm 2024 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Theo báo cáo, có 1.551/1.661 lễ hội được tổ chức tại địa phương, hơn 100 lễ hội chỉ tổ chức nội bộ", bà Trần Thị Vân Anh nêu.
Báo cáo về kế hoạch chuẩn bị cho Lễ hội Gò Đống Đa, đại diện phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa cho biết đã hoàn thành phần lớn các hạng mục chuẩn bị quan trọng cho dịp lễ này.
Ban tổ chức lễ hội thống nhất bố trí bãi trông xe cho khách tham gia lễ hội và không thu tiền vé. Đồng thời, Lễ hội Gò Đống Đa không có các hoạt động kinh doanh thực phẩm.
Kế hoạch số 19/KH-UBND nêu rõ việc tổ chức lễ hội phải tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Việc tổ chức lễ hội phải phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khi tham gia lễ hội, thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức của người tham gia lễ hội với ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
"Quán triệt, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các quy định của T.Ư và thành phố về quản lý, tổ chức lễ hội, về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội", kế hoạch 19 nêu rõ.