Có thể nói Việt Nam không chậm trễ, mà chủ động rất sớm trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phát triển vắc xin nội nhằm chủ động cho cuộc chiến phòng COVID-19. Khi đó, ai cũng hào hứng và hi vọng sự ra đời của vắc xin nội sẽ giúp chúng ta sẽ nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh.
Nanocovax là vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được thử nghiệm lâm sàng từ năm 2020. Ông Hồ Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP công nghệ sinh học dược Nanogen - đơn vị sản xuất vắc xin Nanocovax - đã có công văn gửi Thủ tướng “xin cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nanocovax”.
Tháng 7/2021, trong lần đến thăm và làm việc tại Công ty Nanogen, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức sớm, nhanh các quy trình chuyên môn.
Tháng 8 sau đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vắc xin Nanocovax theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền.
Một thành viên trong nhóm nghiên cứu buồn bã: “Dự án của chúng tôi là dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia, Nhà nước giao chúng tôi làm, nhưng giờ chúng tôi không muốn nói đến nữa”. Có thể những lời ông thốt lên chỉ là bức xúc nhất thời nhưng cho thấy đang có một sự bế tắc nhất định.
Với COVIVAC, sau khi hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 2 với kết quả đối chiếu có những chỉ số còn trội hơn vắc xin Astra Zeneca nhưng tháng 11/2021 phải tuyên bố tạm ngưng thử nghiệm giai đoạn 3, do không còn tình nguyện viên.
Thời điểm đó, phần lớn các địa phương đã tiêm phủ xong mũi 1 và tiêm đạt 70% mũi 2 cho người từ 18 tuổi bằng vắc xin nhập ngoại, và đương nhiên mũi 3 cũng sẽ tiếp tục bằng những vắc xin đó nên đơn vị nghiên cứu không thể tìm được người đủ điều kiện thử nghiệm. Những thành viên trong nhóm nghiên cứu không muốn chia sẻ nhiều về tình hình hiện tại bởi họ coi như “không còn đường” cho vắc xin nội.
Với ARCT-154, hiện nhóm đang thu thập, xử lí, phân tích dữ liệu nghiên cứu để đánh giá kết quả giữa kì thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 phục vụ xem xét cấp giấy đăng kí lưu hành trong trường hợp cấp bách.
Như vậy cả 3 loại vắc xin nội đều đang trong tình cảnh “nan y” trước khi tìm được hướng xử lí phù hợp để cấp phép lưu hành.
Mới đây Bộ Y tế khẳng định “nước ta cơ bản đã bao phủ 2 liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên”. Tất nhiên, số vắc xin này đều nhập ngoại. Những con số như vậy cho thấy “cửa” cho vắc xin nội gần như đã đóng. Đó là lí do mà nhiều thành viên trong các nhóm nghiên cứu vắc xin nội chán nản, không còn lòng tin vào việc sản phẩm tâm huyết sẽ có mặt trên thị trường.
Sự chậm trễ của vắc xin nội có thể do cơ chế, do hiệu quả thử nghiệm của sản phẩm chưa đạt hay vì bất kì một lí do nào, dù gì cũng cần được phân tích, làm rõ bởi sự “ba chìm, bảy nổi” của vắc xin nội có thể sẽ gây lãng phí tiền nghiên cứu, lãng phí thời gian, làm mất niềm tin của những người tâm huyết. Điều đó cũng rút ra bài học cho những dự án tương tự trong tương lai.