Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Tổng Biên tập Báo TT-Huế) nêu vấn đề: Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, qua thanh tra 20 doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu vi phạm, đã phát hiện 18 DN (chiếm 90%) có sai sót trong kê khai dẫn đến nộp thiếu các loại thuế với số tiền hơn 9,3 tỷ đồng.
Điều này cho thấy thất thu thuế còn nhiều và công tác quản lý thuế còn có vấn đề. Tình trạng thất thu thuế là không nhỏ; doanh nghiệp có số thu càng lớn thì mức độ sai phạm về nghĩa vụ thuế càng nhiều. Cục thuế tỉnh lý giải gì về vấn đề này và biện pháp chống thất thu đã được đặt ra như thế nào?
Ông Phan Đình Công, Cục trưởng Cục thuế TT-Huế giải trình: Số thuế nộp thiếu 9,3 tỷ đồng của 20 DN được Thanh tra tỉnh thanh tra chủ yếu là do hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế, không có hành vi gian lận và trốn thuế. Số thuế kê khai thiếu này phát sinh trong 3 năm (2012, 2013, 2014) chiếm tỷ lệ 6% trên số thuế mà 20 DN này đã kê khai nộp thuế (hơn 150 tỷ đồng).
Theo ông Công, nguyên nhân khai sai dẫn đến thiếu thuế là do DN hiểu sai, hiểu nhầm chính sách thuế; công tác kế toán, hạch toán chưa đúng; DN chưa nắm bắt kịp thời hệ thống chính sách thuế mới, hoặc chưa kịp thời tự rà soát kê khai để khai bổ sung điều chỉnh, chưa kê khai doanh thu và thuế kịp thời khi có phát sinh.
Vấn đề thất thu thuế này đã được Cục thuế TT-Huế nói riêng, và ngành thuế cả nước nói chung đặc biệt quan tâm, chú trọng trong quản lý thuế, nhằm hạn chế khắc phục việc khai sai thiếu thuế của các DN. Việc sai sót của DN dẫn đến thất thu thuế tất yếu có thể xảy ra, do đó chức năng thanh tra kiểm tra thuế được tăng cường để giám sát việc thực hiện kê khai thuế của DN.
Cũng tại kỳ họp lần này, đại biểu Phan Tiến Dũng (Giám đốc Sở VH, TT&DL TT-Huế) có câu hỏi chất vấn: Về dự án chỉnh trang nâng cấp Học viện Âm nhạc (HVÂN) Huế, năm 2014, Bộ VH, TT&DL cấp 40 tỷ đồng để thực hiện, nhưng tỉnh không triển khai được phải trả lại nguồn vốn.
Năm 2015, Bộ VH, TT&DL tiếp tục cấp 50 tỷ đồng nhưng dự án lại không triển khai. Như vậy, trong hai năm 2014 và 2015, vốn đầu tư phải trả lại là 90 tỷ đồng, trong khi tỉnh cần các nguồn vốn đầu tư. Vậy, nguyên nhân vì sao, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
Theo giải trình bằng văn bản của UBND tỉnh, dự án đầu tư xây dựng HVÂN Huế được Bộ VH, TT&DL phê duyệt, với chủ trương tách thành các tiểu dự án: Xây dựng hạ tầng học viên, dự án Nhà hát Sông Hương, và các hạng mục khác chờ phê duyệt gồm khối giảng đường, trung tâm thông tin thư viện, bảo tàng, nhà hiệu bộ, ký túc xá.
Năm 2014, Bộ VH, TT&DL đã bố trí 40 tỷ đồng để thực hiện dự án Nhà hát Sông Hương và 14,937 tỷ đồng cho dự án hạ tầng. Chủ đầu tư đã tích cực triển khai thủ tục liên quan về xây dựng.
Tuy nhiên, vào thời điểm đấu thầu cuối năm 2014, do chưa có mặt bằng sạch, Bộ VH, TT&DL chưa đồng ý cho triển khai, nên đã điều chuyển nguồn vốn từ dự án Nhà hát Sông Hương sang dự án hạ tầng để bổ sung kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB).
Năm 2015, Bộ VH, TT&DL bố trí cho dự án Nhà hát Sông Hương 50 tỷ đồng, dự án hạ tầng 5 tỷ đồng. Tháng 8/2015, UBND tỉnh TT-Huế có văn bản xác nhận diện tích đất thuộc khu vực đầu tư Nhà hát sông Hương đã hoàn thành GPMB.
Tuy nhiên, do Bộ VH, TT&DL vẫn yêu cầu phải GPMB toàn bộ khuôn viên số 01 Lê Lợi - thành phố Huế (nơi HVÂN Huế hiện tọa lạc) mới cho triển khai xây dựng Nhà hát sông Hương, nên đã điều chuyển nguồn vốn này cho các dự án khác.
UBND tỉnh TT-Huế cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ VH, TT&DL chỉ đạo HVÂN Huế sớm khởi công xây dựng công trình dự án trong năm 2016. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo chủ đầu tư, UBND thành phố Huế tập trung hoàn thành dứt điểm công tác GPMB.