Tại phiên họp, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đánh giá, sau gần 30 năm tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đạt nhiều kết quả hết sức quan trọng. Tuy nhiên, các quy định của pháp lệnh chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương có các công trình quốc phòng, khu quân sự đang tồn tại.
Chính vì vậy, việc nâng cấp từ pháp lệnh thành luật nhằm bảo đảm tài sản nhà nước được quản lý, xây dựng, bảo vệ hiệu quả hơn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý, chế định liên quan đến công trình lưỡng dụng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần tích hợp và đưa vào dự thảo luật một cách chặt chẽ, khoa học hơn.
Ông cũng đề nghị quy định chặt chẽ việc quy hoạch đầu tư, quản lý công trình lưỡng dụng, luật hóa vào các chế định từ Pháp lệnh bảo vệ bí mật các công trình quốc phòng và quân sự kết hợp với Nghị định 164.
ĐB ví dụ, vừa rồi công bố quy hoạch các sân bay lưỡng dụng, đó là các sân bay Thanh Hóa, Phan Thiết, Ninh Thuận hoặc các hệ thống đường bộ ven biên giới, ven biển... “Chúng ta phải quy định công trình lưỡng dụng để phát huy trong điều kiện đất nước có sự cố xảy ra", ông nói.
ĐBQH Hà Thọ Bình (Hà Tĩnh) cũng quan tâm tới công trình quốc phòng đưa vào sử dụng lưỡng dụng, nhất là một số sân bay quân sự. Theo ông, chế độ quản lý, bảo vệ đối với các công trình lưỡng dụng này chưa được làm rõ và chưa có quy định cụ thể.
Do vậy, ĐB đề nghị, Quy định của khoản 5, Điều 3 về công trình lưỡng dụng cho mục đích quân sự, cần phải làm rõ, bởi khi xác định xác lập tài sản công thì phải có giấy tờ và xác định chủ sở hữu của công trình, chế độ, trách nhiệm bảo vệ.
ĐB cho rằng, cần quy định rõ công trình quân sự khi chuyển sang sử dụng vẫn phải do Quân đội, đơn vị Quân đội quản lý, đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bởi thực chất đây vẫn là công trình quân sự.
Đồng tình, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) đề nghị cần quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định việc chuyển công trình lưỡng dụng sang sử dụng hoàn toàn cho mục đích quân sự. Quy định rõ hơn về giai đoạn chuyển tiếp khi chuyển từ lưỡng dụng sang quân sự, cụ thể là về trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ sở hoạt động dân sự tương tự trên địa bàn.
ĐB viện dẫn, các bệnh viện Quân đội hiện nay vừa phục vụ Quân đội, vừa phục vụ nhân dân và luôn trong trạng thái sẵn sàng để chuyển sang phục vụ quân sự.
Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp từ hoạt động lưỡng dụng sang hoạt động quân sự, cần quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương, các bệnh viện dân sự trong việc tiếp tục khám chữa, điều trị cho nhân dân được chuyển từ bệnh viện Quân đội.
Phát biểu tiếp thu giải trình cuối phiên họp, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, Bộ Quốc phòng tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo luật để thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.