Làm phim kiểu mới

TP - Bộ sưu tập gần 150 bức ảnh và ba bộ phim cùng về địa điểm xóm Long Biên (Hà Nội) mang lại không ít cảm xúc cho người xem qua cách nhìn, cách làm phim có nhiều điểm khác lạ.
Cảnh trong phim " Nhịp số 8"
Cảnh trong phim " Nhịp số 8".

Triển lãm mang tên Chiếu bóng Long Biên do Hội đồng Anh tài trợ, Hanoi DOCLAB (thuộc viện Goethe) thực hiện chỉ diễn ra duy nhất tối 11-12 tại Trung tâm Thể dục Thể thao quận Hoàn Kiếm, mang đến cái nhìn đa chiều về cách người dân sử dụng cầu Long Biên.

Các nhân vật mồm đi chân ướt

Trong thời gian ba tháng, bốn nhiếp ảnh gia Boris Zuliani, Trần Xiu Thúy Khanh, Barnaby Churchill Steele, Jamie Maxtone-Graham, cùng bốn nhà làm phim: Trần Thị Anh Phượng, Phạm Thu Hằng, Đỗ Văn Hoàng, Trần Thanh Hiền sáng tác theo con mắt riêng về cây cầu Long Biên. Ngoài phần ảnh, phim tài liệu của các nhà làm phim trẻ đưa người xem đến sự rung động chân thực và giản dị.

Trừ Mở mắt của Trần Thanh Hiền theo phong cách thể nghiệm tạo cảm giác hơi hụt hẫng khi xem, còn lại Mồm đi chân ướt, Đảo Ngọc Nhịp số 8 mang hơi thở cuộc sống bình dân.

Cảnh phim " Mở mắt".

Dù phút chót Mồm đi chân ướt của Trần Thị Anh Phượng không chiếu tối 11-12 vì trục trặc khâu dựng cuối, phim cùng một cách chọn kể câu chuyện của những người lao động gắn bó với góc phố dưới ga Long Biên.

Ở dự án này, các nhà làm phim trẻ đều phải thực hiện bộ phim một cách độc lập: từ viết kế hoạch ý tưởng, lên kịch bản khung để thuyết phục nhà sản xuất, lo quay phim, thậm chí cả phần âm thanh, ánh sáng. 

Không khoa trương màu mè như cách làm cả một festival cho cầu Long Biên, không phải là những thước phim mang dáng dấp thơ mộng như nhiều người làm phim đi trước, các nhà làm phim trẻ chọn cho mình cách mô tả chân thực với các nhân vật đời thường nhất.

Mồm đi chân ướt là cuộc đời và tâm sự của những hộ buôn bán nhỏ lẻ, chuyên đồ cũ dưới gầm ga. Dù là bán quần áo, mũ bảo hiểm hay bán chè chén, xe ôm… mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ chung nhau sự mặc cảm nào đó trong cuộc sống. Họ không dễ dàng được buôn bán kiếm sống, nhưng ở họ toát lên sự hài lòng với cách kiếm sống và đồng tiền mình làm ra, bởi “chân đi mồm ướt”.

Phạm Thu Hằng lại chọn cho mình cách theo bước chân người tuần cầu, phụ trách từ nhịp 1 đến nhịp số 8, để lia mắt khám phá số phận và cuộc sống trên cầu. Họ là người bán nước, bán rau củ quả… hai bên làn đường cầu Long Biên.

“Có bao giờ mình nghĩ lên Hà Nội phải ngồi bán ở bên lề đường thế này đâu, cứ tưởng phải thuê được chỗ ngồi tử tế”, nhưng cuộc sống mưu sinh đưa đẩy họ gắn bó với cây cầu. Một chị bán rau mở lòng thế, và chọn cách đeo khẩu trang để tránh nhiều ánh nhìn. Số khác kể rằng sức không đủ bon chen với những chỗ bán rong khác, họ đành bám trụ với cây cầu.

Trong khi đó, Đỗ Văn Hoàng muốn kể câu chuyện ở phía bên dưới cầu ở “Đảo Ngọc”, zoom vào bãi tắm tiên để khám phá. “Một trong những tiêu chí của DOCLAB là phát triển tính cá nhân trong mỗi bộ phim, tôi chọn các nhân vật bên lề và tương đối khác thường”, Hoàng chia sẻ.

Cảnh phim " Đảo ngọc" .

Dù đề tài bãi tắm tiên không mới lạ gì vài năm gần đây, trở thành đề tài của nhiều phóng sự truyền hình, nhưng Hoàng chọn được nhân vật đặc biệt. Một cô gái bán hoa ở dốc Bác Cổ xuất hiện ở bãi tắm tiên, chịu cởi mở chia sẻ cuộc đời. Còn nhiều người khác, họ coi đây như thiên đường để tìm lại bản thân, là nơi “đến vì thích” đơn giản thế thôi.

Dũng cảm làm phim

Ba phim xuất hiện trong tối Chiếu bóng Long Biên đều do Hanoi DOCLAB sản xuất. Đây là Trung tâm thử nghiệm về phim tài liệu và nghệ thuật video (Hanoi DOCLAB) thuộc viện Goethe, trở thành địa chỉ quen thuộc cho những người yêu và gắn bó với phim tài liệu.

hông phải là những thước phim mang dáng dấp thơ mộng như nhiều người làm phim đi trước, các nhà làm phim trẻ chọn cho mình cách mô tả chân thực với các nhân vật đời thường nhất. 

Bạn là sinh viên, là nhân viên bình thường dù công việc không dính dáng gì tới điện ảnh hay nghệ thuật, nhưng hãy mạnh dạn sáng tạo. Đó là thông điệp chung của các thành viên tham gia khóa học ở đây.

KInh nghiệm từ dự án cầu Long Biên này, Anh Phượng, Thu Hằng, Hoàng chung nhận xét: Phải kiên trì, phải biết gạt bỏ mọi e ngại khi tiếp cận nhân vật và theo đuổi ý tưởng làm phim đến cùng. Anh Phượng từng vứt bỏ hơn 300 phút quay về nhân vật ban đầu định xoáy sâu. Phải trải qua thời gian, những người ở gầm cầu mới chấp nhận Phượng, chịu nói thật, kể chuyện đời thật. Ban đầu họ ác cảm, không chịu hợp tác.

Hằng khôn khéo tìm được nhân vật hỗ trợ đắc lực – một nhân viên tuần cầu. Đi theo nhân vật này trên đoạn tám nhịp cầu thuộc địa phận quản lí, Thu Hằng thoát khỏi lời đe dọa “đập máy quay”. Trước đó, cô gái 28 tuổi phải bỏ nhiều ngày lang thang trên cầu, quan sát từng mảnh đời mưu sinh trên cầu. Hay ở trường hợp Hoàng, tiếp cận và đưa hình ảnh khá nhạy cảm lên phim không phải chuyện đơn giản. Nhưng sự kiên trì được đền đáp xứng đáng, khi chính người trong cuộc cho phép và khuyến khích Hoàng làm phim.

Trong khi chờ đợi nhiều tác phẩm điện ảnh lớn được đầu tư kỳ công ra đời, cách làm của DOCLAB cho phép những người làm phim trong tương lai nhiều bài học thú vị. Hoàng hiện vẫn theo học trường Sân khấu điện ảnh cho rằng, học làm phim tài liệu mang lại nhiều điều bổ ích cho ngành nghề mình theo học - biên kịch, nhất là với kinh phí làm phim rất khiêm tốn. Anh Phương mới tốt nghiệp hi vọng biến niềm say mê thành công việc chính trong tương lai.

Theo Báo giấy