Chánh án TAND thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính:

Làm giả hồ sơ tâm thần ở Hà Nội chỉ là 'một phần rất nhỏ'

TPO - Mặc dù nổ “phát súng đầu tiên” và đã đưa ra 11 vụ án yêu cầu xem xét lại giám định, song Chánh án TAND thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng, đây chỉ là một phần rất nhỏ, và công tác giám định tại 63 tỉnh, thành cũng là vấn đề lớn.
Chánh án TAND thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính

Tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp sáng 5/9, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, vấn đề giám định tâm thần là một vấn đề trung tâm nổi cộm hiện nay. Trong đó, giám định tâm thần ở Hà Nội là phát súng đầu tiên qua việc bắt một số bác sĩ trong công tác giám định. Tuy nhiên, theo ông Chính, đây chỉ là một phần rất nhỏ.

“Tôi nghĩ 63 tỉnh, thành công tác giám định hiện nay cũng nổi bật”, ông Chính nhìn nhận, đồng thời cho biết, Hà Nội thời gian vừa qua cũng quyết tâm và đề nghị ban ngành tố tụng xem xét lại giám định.

Theo ông Nguyễn Hữu Chính, hiện TAND thành phố Hà Nội đã đưa ra 11 vụ án, yêu cầu xem xét lại giám định. Giám định tại phiên tòa, luật sư đưa ra bị cáo bị tâm thần từ hồi nhỏ, theo quy định tố tụng thì không thể làm được.

“Chúng tôi lại yêu cầu xem xét lại và yêu cầu giám đinh. Kết luận giám định thì tâm thần từ trước, trong và sau khi phạm tội. Như vậy, chúng ta phải dừng, không làm được, bắt buộc phải chữa bệnh, trong khi biết chắc việc giám định đó không đúng”, Chánh tòa Hà Nội cho hay.

Từ thực tế trên, ông đề nghị cơ quan tư pháp phải vào cuộc trong vấn đề giám định. Tất cả các vụ án, hầu như các bị cáo bị tâm thần, nhất là vụ án nghiêm trọng thì buộc phải tách ra xét xử. Cho nên khi xét xử bị cáo khác cho rằng không nghiêm. “Ở góc độ cơ sở, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị cơ quan trung ương xem xét lại vấn đề giám định tâm thần”, ông Chính nêu. 

Về việc này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tâm thần thường có 2 loại: Một loại là tâm thần để ngoài xã hội gây án. Còn một số đối tượng khi phạm tội thì bình thường nhưng đến khi xử lý thì có giám định bị tâm thần khi phạm tội nên không xử lý được.

“Chúng tôi đã cảnh báo từ năm 2013, đề nghị Chính phủ xử lý nhưng không được trả lời. Vừa qua, báo chí cũng đưa tin giám đốc bệnh viện bỗng dưng tâm thần khi bị điều tra”, bà Nga nói, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng phải xem xét lại, vì đây là vấn đề nghiêm trọng.

Liên quan đến việc làm giả hồ sơ tâm thần, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trước đây có lác đác một vài nơi, kể cả trong phía Nam có vài vụ đã xử lý, kể cả làm giảm hồ sơ để được hưởng đặc xá. “Vừa rồi ở Hà Nội là vụ hết sức điển hình, tới đây chúng tôi sẽ kiểm tra và báo cáo kỹ về việc này”, ông Vương cho hay.