NSND Triệu Thủy Tiên, dân tộc Nùng, Phó chủ tịch Hội di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Sáng sớm, khi nghe tin Then được tôn vinh tại phiên họp Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức UNESCO làm cho bà cùng các cộng sự, nghệ nhân ở xứ Lạng phấn khởi, hân hoan.
Theo bà Tiên, “thực hành Then” ở Việt Nam tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. “Còn nghi lễ Then thể hiện bản sắc văn hóa của các tộc người, từ phong tục đến nhạc cụ, múa và âm nhạc. Nó là cuộc sống tâm linh, tình cảm không thể thiếu trong những sự kiện trọng đại như: Lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn. Thể hiện khát vọng về cuộc sống an vui, no đủ, đoàn kết của người xứ Lạng”. Bà Tiên nói.
“Việc UNESCO ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa”.
NSND Triệu Thủy Tiên
Hát Then, đàn tính được bén rễ, lưu truyền bền vững nhờ sự đam mê, gắn bó của các nghệ nhân. Bà Mỗ Thị Kịt, năm nay tròn 100 tuổi vẫn say sưa làm “lẩu Then”, dạy dỗ học trò kế tục sự nghiệp. Các cháu nhỏ tuổi trăng tròn ở xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc ngày đêm luyện rèn, hát hay, đàn tính giỏi...Theo báo cáo của Sở VH-TT &DL tỉnh Lạng Sơn, từ năm 1998 đến nay bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách, tỉnh đã tiến hành triển khai được 26 dự án nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể với tổng số kinh phí gần 2,2 tỷ đồng.
Đặc biệt, Hội bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh và Hội di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn ra đời đã tạo một sinh khí mới với sự tham gia của trên 1000 hội viên, trên 50 CLB trên địa bàn các huyện, thành phố tham gia sinh hoạt, mở được hàng nghìn lớp truyền dạy hát dân ca (Then, sli, lượn) và tổ chức được nhiều cuộc giao lưu dân ca trong và ngoài tỉnh.
Trăn trở
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Then ở Lạng Sơn cũng gặp không ít khó khăn trong việc duy trì, phát triển. Trong thời gian dài một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công tác bảo tồn văn hóa dân tộc. Việc tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc chưa được tiến hành thường xuyên và sâu rộng đến các tầng lớp dân cư trên toàn tỉnh. Nguyên nhân quan trọng hơn, chiến lược đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật truyền thống vẫn còn là một khoảng cách nhất định.
NSND Triệu Thủy Tiên cho rằng, để khắc phục những tồn tại nêu trên cần nâng cao vai trò quản lý, định hướng của nhà nước gắn hoạt động văn hóa dân tộc trong công tác xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó, chú trọng “bảo tồn sống”, tức là bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng. Có chính sách, chế độ thích đáng cho các nghệ nhân tài giỏi, những cá nhân và gia đình có công sức giữ gìn tài sản văn hóa dân tộc.
“Cần thiết tổ chức ngay việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn nâng cao các làn điệu dân ca, dân vũ, xây dựng các tổ, đội văn nghệ truyền thống, nhân rộng các mô hình điểm và tiến tới hướng dẫn con em người dân tộc biết sử dụng các nhạc cụ cổ truyền của mình trong các ngày lễ, ngày hội, mừng được mùa một cách bài bản, vui tươi”, bà Tiên đề xuất.
“Thực hành Then” ở Việt Nam tạo thành một phần cơ bản trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Thái, phản ánh mối quan hệ giữa con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ.