Lâm Đồng chỉ còn 9 huyện, thành phố sau sắp xếp

TPO - Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã ở Lâm Đồng giai đoạn 2023-2030 đã được thông qua; theo đó, chỉ còn 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 136 xã.

Huyện Lạc Dương, nơi có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, sẽ được sáp nhập vào Đà Lạt

Chiều 10/4, Sở Nội vụ Lâm Đồng cho biết, giai đoạn 2023-2030, tỉnh này có 3/12 đơn vị hành chính cấp huyện và 12/142 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp do không đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.

Cụ thể, toàn bộ diện tích, dân số của ba huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên sẽ được sáp nhập thành một huyện lấy tên là Đạ Huoai. Sở dĩ Lâm Đồng chọn tên này vì vào năm 1986, các huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên được tách ra từ huyện Đạ Huoai.

Đạ Tẻh sẽ được sáp nhập trở lại vào huyện Đạ Huoai

Chỉ trong thời gian ngắn sắp tới, toàn bộ huyện Lạc Dương sẽ được sáp nhập vào Đà Lạt để mở rộng không gian đô thị của thành phố này.

Mặt khác, 5 xã (Lộc An, Lộc Tân, Lộc Nam, Lộc Thành và Tân Lạc) của huyện Bảo Lâm sẽ được sáp nhập vào TP Bảo Lộc để mở rộng không gian đô thị của thành phố thứ hai thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Về cấp xã, trong vài năm tới, Lâm Đồng dự kiến giảm 6 cấp xã. Từ 142 cấp xã hiện nay sẽ giảm còn 136; trong đó có 21 phường (3 phường mới gồm Lang Biang, Lộc Nga, Lộc Châu) và 13 thị trấn.

Lâm Đồng dự kiến nhập toàn bộ diện tích, dân số của xã Triệu Hải vào xã Quảng Trị thuộc huyện Đạ Tẻh thành một xã mới; nhập toàn bộ diện tích, dân số của xã Quảng Lập vào xã Pró thuộc huyện Đơn Dương thành một xã mới.

Cũng theo Sở Nội vụ, việc sắp xếp nói trên sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, sáp nhập. Do đó, cần có nhiều đề án khác nhau và phải tập trung cao độ để thực hiện.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ được nghiên cứu và triển khai với tinh thần thận trọng, chắc chắn, khoa học, bài bản nhưng phải thống nhất, đồng thuận, hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội.

Quá trình triển khai sắp xếp, cần đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, thận trọng xem xét kỹ các điều kiện để xác định thứ tự ưu tiên thực hiện; bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, không gây xáo trộn xã hội lớn.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành ở địa phương chú trọng việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục để tạo sự đồng thuận cao nhất của cử tri trên địa bàn xã, huyện khi triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Mặt khác, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức và nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức.