Lái xe 115 và những câu chuyện trên đường đua sinh – tử
TPO - Chưa từng một lần được khoác lên mình chiếc áo blue cao quý, cũng chưa từng xuất hiện trong “trí nhớ” của mọi người mỗi khi ngành y có dịp được vinh danh. Những lái xe của Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 cứ lặng thầm như thế với công việc của mình.
Ám ảnh đường tắc
Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi trong căn phòng nhỏ vẫn ngập tràn sắc xuân từ cành đào bung hoa hồng rực, ông Trương Cam Tiến, 56 tuổi, bác tài kỳ cựu nhất của Trung tâm 115 cứ gãi đầu gãi tai cười trừ, chối đây đẩy, vì “như muôn nghìn nghề khác trong đời, có gì đâu mà kể”. Phó giám đốc Trung tâm 115 Nguyễn Văn Chánh động viên một lúc, ông Tiến mới chậm rãi nói, “hơn 30 năm cầm lái, vui buồn đều có cả nhưng rồi cũng qua, duy chỉ có cảm giác bất lực nhìn người bệnh chết dần trên xe là không quên được”.
Nhấp ngụm nước chè mạn nóng sực, ông Tiến kể về lần vận chuyển một người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp từ đường Bưởi vào bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
“16h30, nghe tiếng chuông điện thoại réo vang, đã thành phản xạ, tôi chạy ngay đến mở cửa xe, bác sĩ và y tá cũng nhanh chóng có mặt. Xe rời trung tâm chỉ vài phút sau khi nhận tin. Với những ca nhồi máu cơ tim, thời gian càng quý giá gấp bội, bởi nhanh một phút là sống, chậm một phút đôi khi không thể cứu nổi mạng người”.
“Nhưng, đúng vào giờ tan tầm, xe chạy giữa dòng người ken đặc len nhau từng chút một. Hơn 40 phút, chúng tôi mới đến nơi tiếp nhận bệnh nhân, rồi lại tiếp tục hành trình len lỏi giữa dòng người xe. Dù dùng cả đèn, còi cấp cứu, nhưng đường tắc quá, không cách nào đi nổi. Mình ngồi ôm vô lăng nhích từng cm đường, có đoạn đứng im đến chục phút rồi nghe tiếng khóc òa lên của người nhà bệnh nhân sau xe mà ruột cũng đau. Đành chịu…”
Nhanh nhưng không ẩu
Bất kể nắng mưa, ngày đêm hay lễ tết, 40 lái xe của Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội đều đặn chia làm 3 ca, đảm bảo việc vận chuyển cấp cứu cho gần 7 triệu người dân Hà Nội. Hơn ai hết, họ hiểu sự nhanh chậm của từng khắc thời gian quý giá thế nào đối với sự sống của người bệnh.
Chia sẻ với người tài xế già về những kỷ niệm buồn trong nghề, ông bảo, các cụ nói sinh vì nghề, tử vì nghề nhưng với nghề nghiệp của ông, cái chữ tử ấy lúc nào cũng rình rập. Ông nói thế là bởi với tính mạng của những bệnh nhân đang chờ xe cấp cứu đến, hay những bệnh nhân đã nằm trên xe để đưa tới bệnh viện, sinh – tử đều gần nhau lắm lắm.
Còn ông, cầm lái chiếc xe cấp cứu đi cứu người, rất cần thời gian nhưng cũng phải cẩn trọng hết sức vì còn tính mạng của bao nhiêu con người khác ngồi trên xe, của bao nhiêu người tham gia giao thông trên đường. Chạy nhanh nhưng lại phải luôn an toàn, đấy là bài học đầu tiên mà bất kỳ người lái xe cấp cứu nào cũng phải thuộc.
Hỏi về niềm vui trong nghề, ông cười bảo, những năm 80 của thế kỷ trước, khi đời sống còn khó khăn, có được miếng thịt lợn ngày tết cũng sang lắm, chả ai mơ được tận thịt gà. Nhưng có lần chiều 29 Tết ông đi làm về, thấy nhà hàng xóm xách sang một đôi gà đang kêu quàng quạc và bao tải gạo trắng tinh dễ đến hơn chục cân, và bảo: “có người nói là người nhà của bệnh nhân được ông chở vào bệnh viện hồi trước, tìm mãi mới được nhà ông để đến cảm ơn”.
Ông nhận quà mà lòng cứ rưng rưng. Ông làm vì nghề nghiệp, vì ông cũng là con người trước sự nguy cấp của con người. Ông chưa bao giờ nghĩ đến việc mình làm để lại ơn và được cảm ơn như thế.
Một lần khác, nhận được tin báo có bệnh nhân bị đuối nước ở Quảng Bá (Hà Nội), ông cùng kíp bác sĩ, y tá đến nơi để cấp cứu cho bệnh nhân. Hơn ba tiếng, bác sĩ ấn tim, y tá tiêm, truyền, còn ông đứng bóp bóng cho bệnh nhân thở ô xy. Khi những dấu hiệu sống đầu tiên trở lại bằng nhịp đập yếu ớt trên cơ thể bệnh nhân, cả nhà người bệnh đã chắp tay vái sống kíp y bác sĩ. Ông thu dọn cáng cấp cứu và dụng cụ lên xe mà niềm vui khôn tả, quên bẵng rằng hai tay mình mỏi nhừ vì ba tiếng đồng hồ bóp bóng liên tục…
Lái xe 115 và “giờ vàng”
Lính mới tò te trẻ nhất của Trung tâm 115 là Nguyễn Trung Hiếu, 24 tuổi. Nghe hỏi “thâm niên” trong nghề, cậu chàng có khuôn mặt tròn xoe, nụ cười mũm mỉm hiền như con gái, bấm đốt tay một lúc rồi bảo tôi, “em lái được 8 tháng 12 ngày, chị ạ”. Hỏi tại sao “tay lái lụa” thế, không xin vào lái xe cho doanh nghiệp hay các đơn vị vận tải, thu nhập cao lại tha hồ bay nhảy, Hiếu cười, “em nhát lắm, đi xe cực kỳ cẩn thận”.
Hiếu kể, mê ô tô từ nhỏ, cứ ao ước khi nào lớn lên được cầm lái ô tô. Nhưng vì gia đình không có điều kiện mua xe, nên quyết tâm đi học lái xe để được lái ô tô như mơ ước. Thế nhưng, kể cả khi chưa vào làm việc ở Trung tâm 115, nhìn những thanh niên cùng trang lứa “đánh võng” hay đua tốc độ trên đường, Hiếu chỉ lẳng lặng “tránh vào một bên” vì “không muốn gây họa cho mình và cho người khác”.
Phó Giám đốc Trung tâm 115 Nguyễn Văn Chánh bảo, tay nghề của lái xe thường tính khoảng 8 điểm, thì với lái xe Trung tâm 115 phải là 10, vì ngoài kỹ năng lái xe tốt, còn phải biết lựa địa hình tùy từng tình trạng bệnh mà tài xế sẽ có những cách chạy khác nhau. Với những ca chấn thương cột sống, tổn thương vùng cổ, dây thần kinh…, buộc phải chạy thật êm, giảm tốc độ, tránh gây sốc cho người bệnh. Riêng với những ca tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, hay tăng huyết áp phải cố gắng chạy càng nhanh càng tốt vì những bệnh này cần phải có “giờ vàng” mới có thể cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, tất cả đều tuân thủ chạy an toàn, dù được phép vượt đèn đỏ, vào đường cấm…
Với Hiếu, thời gian cầm vô lăng còn quá ít để “thấm” nghề, nhưng qua câu chuyện kể của chàng thanh niên trẻ măng ấy, tôi đã thấy trong đó, một cái tâm với công việc khi “em được nghỉ lâu lâu lại thấy nhớ xe”.
Trăn trở với nghề
Khi mới vào làm được ba ngày, Hiếu nhận lệnh cùng kíp trực đến đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) cấp cứu cho bệnh nhân. Bệnh nhân là người đàn ông bị chảy máu dạ dày, khi bác sĩ đến, ông đang gập người nôn ra máu tươi.
Đưa bệnh nhân lên cáng vào xe, Hiếu nhìn đồng hồ, khi ấy là gần năm giờ chiều. “Em cũng hơi run vì giờ đó đường đông vô cùng. Bác sĩ bảo bệnh nhân rất nặng. Em bật còi, đèn tín hiệu nhưng cũng chẳng mấy ai tránh đường cho xe ưu tiên cả. Mạnh ai nấy đi. Khi đó, em bèn cắm loa vào, một tay xoay vô lăng, tay kia cầm micro nói vào loa đề nghị mọi người nhường đường cho xe ưu tiên. Thế mà có hiệu quả”.
Nói về những lái xe của Trung tâm 115, Bác sĩ Chánh bảo, họ là một bộ phận không thể tách rời của trung tâm, không có họ, các y bác sĩ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Có đến được với bệnh nhân sớm hay không, đưa bệnh nhân được đến bệnh viện an toàn hay không đều là do lái xe cả.
Các y bác sĩ đã làm hết khả năng chuyên môn của mình và phần còn lại của sự sống bệnh nhân thuộc về các bác tài. Họ âm thầm đứng sau những người thầy thuốc chúng tôi, nhưng trong hành trình cứu sống người bệnh, họ có công rất lớn.
Sự ghi nhận của những người trong ngành với đội ngũ lái xe cấp cứu đã trở thành nguồn động viên rất lớn đối với các anh, giúp họ bớt “tủi” khi vẫn còn quá chật vật, khó khăn để sống bằng đồng lương làm nghề. Nhưng nói như ông Tiến, dù chẳng bao giờ được khoác lên người chiếc áo blue trắng, nhưng ông luôn tự hào rằng mình đang làm việc có đức, việc cứu người.
Lê Thanh Thúy