Theo khảo sát của PV ngày 9/6, nhiều ngân hàng thương mại tư nhân tiếp tục giảm lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng giảm xuống dưới 8%/năm. Cụ thể, NCB (8%/năm); OCB (7,9%/năm); BVBank (7,9%/năm); VPBank (7,5%/năm)...
Số ngân hàng còn niêm yết lãi suất trên 8%/năm còn rất ít, chỉ có ở một số nhà băng như GPBank (8,6%/năm), ABBank (8,5%/năm), PVCombank (8,3%/năm), BacABank (8,1%/năm), Oceanbank (8,1%/năm).
Nhìn chung các ngân hàng lớn đều đã giảm lãi suất xuống dưới 8%/năm, cao nhất chỉ quanh vùng 7,5%/năm. Chênh lệch lãi suất ở nhóm ngân hàng lớn không còn đáng kể như giai đoạn đầu năm.
Trong báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ vừa công bố, VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,5%/năm trong năm nay.
Dựa trên tình hình lạm phát trong nước hạ nhiệt và tỷ giá ổn định, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh giảm một số lãi suất điều hành kể từ ngày 25/5/2023 như lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5%, trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tới dưới 6 tháng giảm 0,5%...
Kể từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành, theo đó: Lãi suất tái chiết khấu giảm 1% xuống 3,5%/năm, lãi suất tái cấp vốn giảm 1% xuống 5%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với một số hoạt động kinh tế giảm 1% xuống 5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng và từ 1 tháng tới dưới 6 tháng lần lượt 0,5% và 1% xuống mức 0,5%/năm và 5%/năm.
Theo đó, lãi suất giảm dựa trên các lý do sau: Nhu cầu tín dụng yếu do tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thị trường bất động sản ảm đạm, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành.