Bộ, ngành, địa phương cùng bị “bắt lỗi”
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã liên tục “bắt lỗi” hàng loạt văn bản của các bộ, ngành và địa phương khi cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. “Nóng” nhất có thể kể đến công văn “kích cầu tiêu thụ bia” ở Nghệ An và việc Bộ Y tế có dấu hiệu lạm quyền, làm thay chức năng của Chính phủ khi ban bố Thông tư 19 của Bộ Y tế quy định quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc (Tiền Phong đã thông tin).
Mới đây, Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) cũng “tuýt còi” Quyết định số 24, ngày 28/10/2013 của UBND tỉnh Sơn La về việc ban hành quy định phân cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Sơn La (gọi tắt Quyết định 24) vì có một số nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Theo Cục Kiểm tra, khoản 2 Điều 4 của Quyết định số 24 quy định: “Trong trường hợp công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm hết thời hạn tồn tại, nhưng nhà nước vẫn chưa thực hiện quy hoạch, nếu chủ đầu tư có nhu cầu thì công trình đó vẫn được tồn tại đến khi nhà nước thu hồi đất”. Theo đó, khi giấy phép xây dựng tạm hết thời hạn, nhà nước vẫn chưa thực hiện quy hoạch mà chủ đầu tư có nhu cầu thì những công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm vẫn mặc nhiên tồn tại mà không cần phải xin phép.
Đối chiếu quy định của Bộ Xây dựng (Thông tư số 10/2012, ngày 20/12/2012 Hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng) cho thấy, khi hết thời hạn theo giấy phép xây dựng tạm, nếu chủ đầu tư có nhu cầu phải “đề nghị với cơ quan cấp phép xem xét cho phép kéo dài thời hạn tồn tại”. Như vậy, công trình xây dựng tạm có được phép tồn tại nữa hay không phụ thuộc vào việc xem xét cho phép của cơ quan cấp phép theo đề nghị của chủ đầu tư. Với việc dẫn chiếu văn bản pháp luật kể trên, Cục Kiểm tra khẳng định Quyết định số 24 quy định như trên là chưa phù hợp với quy định của Bộ Xây dựng, có thể gây ra sự tùy tiện trong xây dựng tại địa phương.
Có hiện tượng “dĩ hòa vi quý”
Trong một báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác xây dựng văn bản, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã thẳng thắn nêu rõ những tồn tại cũng như nguyên do của những sai phạm khi ban bố văn bản, đặc biệt trong đó có hiện tượng “dĩ hòa vi quý” khi xử lý những văn bản trái luật.
Theo đó, Bộ Tư pháp khẳng định, các bộ, ngành, địa phương đã bước đầu xây dựng các văn bản phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật tại bộ, ngành và địa phương mình. Tuy nhiên, các văn bản được ban hành còn thiếu nhiều quy định đảm bảo tốt để triển khai công tác này hiệu quả. Thậm chí, nhiều quy định sao chép quy định của văn bản cấp trên hoặc nội dung không phù hợp với văn bản cấp trên. Ở công tác kiểm tra, xử lý văn bản, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng, các bộ, ngành còn chậm và chưa tự giác, chưa đạt yêu cầu, từ đó dẫn đến hiện tượng các văn bản trái pháp luật này vẫn được áp dụng, tác động tiêu cực, thậm chí gây bức xúc trong xã hội.
Nói đến yếu tố con người, Bộ Tư pháp phân tích, năng lực, kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ, công chức, cộng tác viên làm công tác kiểm tra văn bản còn hạn chế, do đó việc tác nghiệp kiểm tra chủ yếu tập trung vào thể thức và kỹ thuật trình bày mà chưa đi sâu vào nội dung văn bản, chưa chú trọng kiểm tra những văn bản thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
“Một số bộ, ngành và địa phương bố trí biên chế làm công tác kiểm tra văn bản QPPL còn hạn chế, thậm chí có Sở Tư pháp mới chỉ bố trí được một công chức làm công tác này (Sở Tư pháp Khánh Hòa). Có Sở Tư pháp chưa thành lập được phòng riêng làm công tác kiểm tra văn bản mà giao nhiệm vụ này cho Phòng xây dựng văn bản phụ trách (Thái Bình, Nam Định, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum...)” - văn bản của Bộ Tư pháp dẫn chứng.
Lý giải tình trạng xử lý văn bản pháp luật chưa thật sự nghiêm túc, lãnh đạo Bộ Tư pháp thẳng thắn: “Trong kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật, còn tồn tại tình trạng nể nang, dè dặt, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”, dẫn đến nhiều văn bản trái pháp luật không được kiểm tra hoặc kiểm tra nhưng không được xử lý, hoặc xử lý nhưng không triệt để gây tác động tiêu cực, bức xúc trong xã hội”.
10 năm phát hiện hơn 63.000 văn bản vi phạm
Thống kê của Bộ Tư pháp, trong 10 năm (2003 đến 2013), các bộ, ngành và địa phương đã kiểm tra 2.353.490 văn bản, trong đó, các bộ, ngành kiểm tra 43.262 văn bản. Qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, toàn ngành đã phát hiện được 63.277 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp của văn bản.