Khí phách hiên ngang
Ngỡ ngưng bom đạn chiến trường/ Mà sao sinh tử vẫn thường xảy ra/ Trong cơn hồng thủy phong ba…/ DK1 - Bản hùng ca lưu đời/ Hương trầm quyện gió tỏa quanh/ Vòng hoa đất mẹ dệt thành huân chương/ Sống không mưu lợi tầm thường/ Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng… Chúng tôi quặn thắt lòng khi nghe Thiếu tá Trịnh Văn Nghị (Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1) đọc điếu văn tưởng niệm các chiến sỹ hải quân đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trên vùng biển phía Nam. Biển, trời tươi sáng hôm nay đã thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của cha, anh, những tượng đài bất tử ngàn thu, những người con ưu tú của dân tộc anh hùng, nhắc nhở thế hệ sau nhớ về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.
Sau nhiều ngày vươn khơi, tàu Trường Sa 10 neo lại khu vực Nhà giàn DK1/9, Cụm Ba Kè. Những cơn sóng bạc đầu đã lùi thấp xuống, ẩn vào biển cả thẳm sâu. Trên khoang thuyền, đoàn công tác nghiêm trang tưởng niệm cán bộ, chiến sỹ hải quân đã anh dũng hy sinh, hiến dâng tuổi trẻ, cuộc đời và sự nghiệp cho Tổ quốc thân yêu. Cơn mưa phảng phất rơi như hòa cùng nỗi niềm của mỗi người. Thành kính trước anh linh các anh, chúng tôi ôn lại lịch sử hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ngày 5/7/1989, Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam được thành lập. Đây là một quyết định sáng suốt, kịp thời, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Do thời tiết khắc nghiệt và sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương đã làm đổ một số nhà giàn - nơi mà cán bộ, chiến sỹ hải quân đang có mặt thực hiện nhiệm vụ vào các năm 1990, 1996, 1998 và 2000. Vào thời khắc giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, các anh đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, bám trụ đến cùng, chấp nhận hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nghẹn ngào lời điếu văn, nuốt nước mắt vào trong, Thiếu tá Trịnh Văn Nghị bồi hồi: “Chúng ta quên sao được tấm gương hy sinh anh dũng và cao đẹp của Thượng úy Trần Hữu Quảng đã nêu cao vai trò người bí thư chi bộ. Anh đã nhường chiếc phao cá nhân, miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sỹ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội, để rồi thanh thản ra đi vào cõi vĩnh hằng… Chúng ta quên sao được Liệt sỹ - Chuẩn úy Lê Đức Hồng, anh đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy Quân chủng. Khi Nhà giàn DK 1/6 bị đổ, chỉ kịp gửi lời “Vĩnh biệt đất liền”. Các anh đã vĩnh viễn hóa thân vào sóng, nước đại dương để lại nỗi tiếc thương vô bờ cho người ở lại. Noi gương các anh, từ công sức, mồ hôi, xương máu đổ xuống của các thế hệ đi trước, Nhà giàn DK1 của chúng ta hôm nay đã thay da, đổi thịt, vững chắc chủ quyền. Với tinh thần “Cả nước hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc”, nhiều phong trào hành động “Cả nước vì Trường Sa”; “Chung tay thắp sáng Nhà giàn DK1”, “Vì biển, đảo quê hương - Vì biên cương Tổ quốc”… đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp”.
Cha truyền con nối
Sau một ngày đối mặt với sóng dữ để vận chuyển quà sang Nhà giàn DK1/8, tôi có dịp trò chuyện với Trung úy Lương Trọng Duy - Biên chế tàu 903 (Vùng 2 Hải quân), được tăng cường cho tàu Trường Sa 10 để làm nhiệm vụ chúc Tết các Nhà giàn DK1. “Tôi nhập ngũ năm 2014 và đó cũng là mốc thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Đó không chỉ là năm tôi khoác lên mình màu áo hải quân mà cũng là năm bố tôi ra đi mãi mãi. Đã 9 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in lời bố dặn “Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, tự hào màu áo lính mà bố, mẹ gửi gắm nơi con”, Lương Trọng Duy tâm sự.
Vuốt giọt nước biển còn đọng trên khuôn mặt rắn rỏi, Duy kể: “Tôi quê ở Hải Phòng, bố mẹ đều là lính hải quân nên từ nhỏ tôi đã tiếp xúc với môi trường quân ngũ. Những ngày bố công tác xa nhà, lênh đênh trên biển, lúc bố về, món quà bố tặng tôi là nhành san hô ở Trường Sa. Bố nói “Đó là hình hài của Tổ quốc”, đến nay, tôi vẫn giữ kỷ vật ấy, để nơi trang trọng nhất trong nhà. Tôi yêu màu áo hải quân khi bố, mẹ mặc cùng chụp hình kỷ niệm. Tôi yêu màu áo ấy từ khi còn nhỏ, lúc mẹ kể tôi nghe về chuyện người lính kiên cường. Bây giờ, tôi đã có một gia đình nhỏ và cũng có những chuyến công tác như bố, mẹ. Sau này, tôi cũng sẽ kể cho con mình nghe về biển, trời thiêng liêng của Tổ quốc”.
Nói về cuộc đời binh nghiệp của mình, Lương Trọng Duy cho biết, sau đợt huấn luyện tân binh, anh tiếp tục đi huấn luyện sơ cấp pháo tàu tại trung tâm huấn luyện Hạ Long thuộc Lữ đoàn 170, rồi được biên chế về tàu chiến 210, hải đội 137, Vùng 1 Hải quân. Đến tháng 10/2015, anh vào học trường Trung cấp hải quân, chuyên ngành đào tạo máy tàu. Sau 2 năm, anh được biên chế về Lữ đoàn 125, vùng 2 Hải quân.
“Giờ tôi công tác tại tàu 903, làm nhiệm vụ tiếp tế nhiên liệu cho tàu thuyền, chỉ hoạt động từ phao số 0 trở vào đất liền, nhưng tôi thường được tăng cường sang các tàu khác cho những chuyến đi dài ngày. Có lần đi cùng tàu Cảnh sát biển làm nhiệm vụ bảo vệ ngư trường giáp với Malaysia. Nếu có tàu cá của nước ngoài đi qua ranh giới biển nước ta thì mình ngăn cản. Ngược lại, nếu ngư dân của mình lạc vào vùng biển của họ thì mình sẽ cảnh báo. Tôi nhớ, năm 2020, một tàu cá của chúng ta bị kiểm ngư của nước bạn bắt giữ, ngư dân hoảng hốt gọi cầu cứu, chúng tôi liền điều khiển tàu tăng tốc áp sát và đàm phán thành công. Tuy trực ngư trường vất vả, nhưng với tinh thần bảo vệ ngư dân, bảo vệ đồng bào nên mình cũng rất vui. Cũng vào năm 2020, tôi cùng đồng đội trực ngư trường đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Ngư dân mình cũng ở lại trên biển khai thác cá, đêm 30, mùng 1 Tết. Chúng tôi cùng nhau đón chào năm mới, chia sẻ những chuyện vui, san sẻ bánh kẹo, thực phẩm. Tết đó với tôi rất ý nghĩa”, Trung úy Lương Trọng Duy kể về kỷ niệm công tác.
Đêm càng về khuya, trăng sáng vằng vặc, xung quanh tàu Trường Sa 10 là hàng chục tàu đánh cá của ngư dân, họ vững tâm bám biển bởi bên họ là những chiến sỹ hải quân - lá chắn thép nơi đầu sóng ngọn gió.
(Còn nữa)
Tiểu đoàn DK1 (Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang) được thành lập ngày 5/7/1989. Là lực lượng chốt giữ tại các Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Hiện nay đơn vị đóng quân trong Căn cứ Quân sự Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.