Kỳ nam và những ác mộng của dân phu trầm
> Nhiều người đi tìm trầm bỏ về
> Đồn trúng kỳ, người tứ xứ kéo về bãi trầm
Hàng ngàn lượt người từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... đã đổ về núi Gộp Ngà (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) đào bới rừng để tìm kiếm kỳ nam, nuôi mộng đổi đời.
Hơn một tuần qua, cơn sốt kỳ nam ở khu vực núi Gộp Ngà, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa nguội. Hàng ngàn dân “địu” (người đi tìm trầm) từ các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... đã khăn gói về nơi sơn cùng thủy tận này với ước vọng “trúng” kỳ nam đổi đời.
Tuy nhiên, chuyện đổi đời chưa thấy đâu, chỉ biết đằng sau nghề săn trầm, kỳ nam là cuộc hành trình dài ngày, đầy gian nan thử thách, ăn bụi ngủ rừng... Núi rừng Khánh Sơn những ngày này hầu như đêm nào cũng mưa dầm dề, ẩm ướt. Thế nhưng mỗi ngày vẫn có hơn trăm lượt người băng rừng, lội suối qua tỉnh lộ 9 hoặc lầm lũi cả đêm vòng qua đèo Ngoạn Mục, tiến thẳng lên núi Gộp Ngà đào bới tìm kỳ nam.
Tại khu vực có tin đồn đã trúng “hàng” bạc tỉ (cách gọi của dân săn kỳ nam) ngổn ngang những gốc cây, đá tảng bị đào xới là hàng trăm lán lều, võng dã chiến của những “đội quân” đến từ những vùng quê khác nhau. Có đội chỉ vài người, đội vài chục người và cũng có đội cả trăm người cùng túc trực ngày đêm săn “hàng”. Sống và trải nghiệm bên những phận người này mới thấy cảnh sống của họ chẳng khác nào người rừng: lấy nước uống từ vũng nước ven đường, dùng cành cây nhỏ làm đũa ăn, lấy nắp nồi làm chén cơm...
Chỗ ở chỉ cần một chiếc võng mắc giữa rừng, mặc kệ muỗi cắn và nguy cơ sốt rét rừng. Khi nửa đêm mưa xuống, cả nhóm phải vội cất võng, dựng lán trại bằng tấm nilông giữa rừng cây, rồi mấy chục con người cùng ngồi ngủ gật gù bên bếp lửa tới sáng.
Hầu hết dân săn kỳ nam đều thuộc diện nghèo khó, phải bấm bụng vay tiền, rồi lặn lội đêm hôm cho những chuyến đi tìm giấc mơ tỉ phú. Có người may mắn khi đội mình trúng được một ít kỳ nam bé tẹo, đủ để trang trải chi phí, nhưng cũng không ít người trắng tay ra về trong bộ dạng gầy xọp, đen nhẻm, mắt sâu hoắm vì nhiều đêm thiếu ngủ.
Ông Trương Tấn Đạt (47 tuổi, quê xã Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) thở dài: “Sau 20 năm bỏ nghề săn hàng, tôi mới trở lại Gộp Ngà bằng đường vòng (tránh chốt chặn của công an, biên phòng) hơn 400 cây số. Phần vì tò mò tin đồn trúng kỳ nam ở quê, nhà lại có 4-5 miệng ăn nên bấm bụng đi. Nhưng tình hình trời cứ mưa như thế này, có lẽ chuyến này về tay không!”.
Sự khắc nghiệt của thiên nhiên chỉ là một phần, dân “ăn trầm” còn phải đánh cược bằng cả máu, mồ hôi và nước mắt với những nguy cơ tai nạn từ cung đường đèo hiểm trở trong đêm tối, những tảng đá núi khổng lồ, chênh vênh; hay nguy cơ bị cướp giật, xin đểu, thậm chí hỗn chiến để giành lấy khu vực.
Thực tế sau trận hỗn chiến xảy ra sáng 27-9, đội quân săn trầm Quảng Nam, Đà Nẵng đã phải nhường chỗ cho đội Vạn Ninh, Khánh Hòa kiểm soát. Tuy nhiên, kết quả sau trận xích mích này thật chẳng đáng: khoảng 1kg kỳ nam được đội Vạn Ninh tìm thấy, phần bị công an thu giữ, phần chẳng thấm tháp khi chia cho hơn 300 con người trong đội.
Chiều mưa rầu rĩ, tôi theo chân một nhóm săn kỳ nam quê Vạn Giã rời núi Gộp Ngà, không khỏi chạnh lòng khi thấy từng tốp người vẫn đang ngược xuôi đổ về đây tìm trầm.
Đúng là ác mộng kỳ nam.
Theo Tiến Thành
Tuổi Trẻ