Kỳ 2: Vườn treo và hồ cá giữa đại dương

TP - Giữa Trường Sa khắc nghiệt, những mầm sống càng thêm mạnh mẽ trong cái nắng gió rát mặt và hơi nước mặn làm han gỉ sắt thép.

Mầm sống Trường Sa

Kỳ 2: Vườn treo và hồ cá giữa đại dương

Kỳ 1: Những công dân nhí

Cẩn thận chăm chút từng luống rau xanh.

Nuôi cá lồng giữa đại dương

Cá lồng nuôi trên sông. Thường. Lính Trường Sa phải hơn thế. Họ nuôi được cá lồng ngay giữa biển. Điều khó tin ấy được thực hiện cách đây 4 năm. Trải qua bao khó khăn lắm lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc, giờ đây tám lồng cá với hơn 8.000 con cá chim trắng đang được nuôi thử nghiệm nằm ngạo nghễ bên cạnh đảo Đá Tây – hòn đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, cách đất liền gần 700km.

Bắt đầu từ ý tưởng tìm một loại cá phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở vùng biển quần đảo Trường Sa, tạo nguồn hải sản tươi sống cải thiện bữa ăn cho quân và dân huyện đảo, anh em chiến sỹ Công ty Hải sản Trường Sa (thuộc Hải đoàn 129) nuôi thử nghiệm một vài giống cá. 4 “hoa hậu cá” được chọn là: chẽm, hồng đen, mú và chim trắng. Sau 3 năm, anh em bó tay với 3 “ả” khó tính, chỉ còn lại mỗi “cô” chim trắng không những chịu đựng được khí hậu mà còn phát triển rất nhanh, sức kháng bệnh cao. Ai nấy đều mừng rỡ. Giống cá chim trắng nhập từ nước ngoài, lại mất một công đoạn di chuyển ra đảo, cá giống khi đến tay anh em chỉ còn thoi thóp.

Việc đảm bảo “tính mạng” cho đàn cá giống lúc nào cũng được ưu tiên hàng đầu: đảm bảo nước sạch, tránh va đập, tránh gió, nắng… Trong cái khắc nghiệt đó, chúng lớn nhanh và rất khỏe. Tuy nhiên, khi một con dính bệnh là kéo cả đàn nhiễm theo. Mà trên biển thì đào đâu ra bác sĩ thú y. Vậy là anh em vừa dùng kháng sinh, cách ly những con cá nhiễm bệnh, vừa phải tìm kiếm tài liệu để có cách chữa trị tốt nhất.

Giàn rau xanh tốt trên lô cốt công sự. Mầm xanh cuộc sống vẫn nảy mầm và vươn lên bất chấp cuộc sống còn nhiều gian khổ.

Để đi từ đảo ra tới lồng cá phải trèo thang xuống thuyền máy. Bất cẩn một ly, đưa chân xuống trong khi sóng lớn đẩy thuyền trồi lên, đập vào thang là nát chân ngay. Anh Nguyễn Hữu Quang – Đội trưởng Đội nuôi trồng hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (Cty Hải sản Trường Sa - Bộ Tư lệnh Hải quân) cho biết: “Nuôi trên bờ đã khó, nuôi giữa biển càng khó gấp bội lần. Mỗi lần cho cá ăn phải đi bằng xuồng máy để tiếp cận lồng. Những lúc biển động là dính đòn ngay. Một chiếc xuồng máy của đội từng bị sóng đánh bẹp cả hai thân”.

Ông Chu Minh Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho biết: Đảo Đá Tây được bao bọc xung quanh bởi bãi đá ngầm, san hô nhưng có phần không có đá, san hô với độ sâu lý tưởng, tạo thành một lòng hồ giữa biển, thuận lợi cho việc nuôi cá lồng. Ngoài ra anh em còn cung cấp cho ngư dân đánh bắt xa bờ nước ngọt miền phí, dầu BO, lương thực thực phẩm thì bán bằng giá trong đất liền. Khi tàu thuyền của ngư dân gặp sự cố, anh em kiêm luôn việc sửa chữa. Năm ngoái, đảo Đá Tây đã tiếp nhận 240 lượt tàu ra vào đảo, cung cấp miễn phí nước ngọt và bán 6.000 lít dầu bằng với giá trong đất liền. Gần đây, bà con ngư dân vùng Lý Sơn, Quảng Ngãi hay tin nuôi cá lồng hiệu quả cao đã xin được ra nuôi ổn định lâu dài. “Chúng tôi đã chứng minh được cá chim trắng sống tốt giữa Trường Sa. Tương lai không xa Trường Sa sẽ là nơi làm ăn sinh sống, nuôi trồng thủy hải sản hiệu quả cho bà con dân mình” – ông Sơn nói.

Vườn treo

Biển chẳng bao giờ phụ người khi người sống chan hòa với biển. Câu nói của một ngư dân vùng biển Khánh Hòa vô tình được gặp khiến chúng tôi suy nghĩ mãi. Chỉ ở Trường Sa, mới có thể yêu quý và nâng niu từng lá rau muống, từng cọng giá đỗ… Anh lính trẻ Nguyễn Văn Tú tươi cười khi thấy khách mải mê ngắm nhìn công trình “vườn rau thanh niên” của đơn vị: “Trồng rau ở đây khó lắm các anh ạ. Trong năm chỉ có thời gian từ tháng 2 đến tháng 6 là biển lặng, còn lại các tháng khác giông gió, hơi muối táp lên cháy hết cả vườn rau nếu sơ ý quên che chắn cẩn thận. Chỉ cần nhìn một cái lá bắp cải cháy vàng là anh em buồn muốn bỏ ăn rồi. Rau muống, mồng tơi thì có thể trồng quanh năm, rau cải thì chỉ từ tháng 1 đến tháng 6. Anh em tranh thủ trồng theo mùa các loại giá đỗ, bao tử, mướp…”.

Vườn rau treo trên đảo Đá Đông.

Đảo Đá Đông có một vườn rau “treo” rất đặc biệt, anh em đùa bảo nó còn “vĩ đại” hơn cả vườn treo Babylon. Đó là nguồn thức ăn quý giá cho chiến sỹ trên đảo và là tiếp phẩm cho tàu thuyền ngư dân đánh bắt xa bờ. Thượng úy Đồng Văn Doãn, phó đảo trưởng đảo Đá Đông cho biết: “Trước kia, khi xây dựng đảo Đá Đông, bộ đội chiến sỹ phải vớt các mảnh gỗ trôi dạt trên biển để dựng nên cái nhà giàn này. Tuy nhiên mỗi lúc sóng to gió lớn, nhà giàn bị hư hại khá nhiều.

Sau này, khi công trình xây dựng đảo Đá Đông được hoàn thiện kiên cố, anh em Đoàn thanh niên tận dụng nhà giàn để trồng rau, vừa tăng diện tích sản xuất, vừa cải thiện bữa ăn cho đơn vị”. Vườn treo của chiến sỹ đảo Đá Đông được gia cố bằng đủ loại vật liệu: tấm ván, gỗ, tre nứa, tấm tôn và cả… áo mưa. Vườn được nâng đỡ bằng hệ thống cọc đóng vững chắc trên lớp san hô.

Thượng úy Đồng Văn Doãn kể rằng, mỗi khi sóng to gió lớn, đơn vị phải thay phiên nhau cử người… bảo vệ vườn rau chưa đầy 20 m2. Chỉ cần sóng đánh vào vườn rau, coi như công lao cả đơn vị chìm nghỉm. Chiến sỹ nhiều khi phải che chắn từng chậu rau, bưng vào trong cất giữ chứ không dám để ngoài trời lúc biển động.

Nói chuyện rau cỏ Song Tử Tây, chiến sỹ đảo hồ hởi khoe đảo có đàn bò 9 con, rất “hiếu học”. Thì ra, Song Tử Tây là đảo lớn, nhưng cũng không đủ cỏ cho bò ăn. Thế là bò ta nhẩn nha cày trụi cỏ ở sân bóng đá, khi chiến sỹ không để ý chực “xơi” luôn rau xanh của bộ đội. Bò thì thương thật nhưng rau lại vô cùng quý giá. Thế là phải ra “quân lệnh” cấm bò bén mảng tới vườn rau.

Từ đó, bò chuyển sang xơi… sách báo của chiến sỹ. Chỉ cần vô ý là bò ngấu nghiến luôn cả tờ báo đang đọc dở. Con nào con nấy “ngộ” chữ, trông trí thức hẳn. Nhiều chị em văn công đến đảo biểu diễn, áo quần ướt sũng nước biển treo vội nơi hàng rào cũng trở thành… đồ nhắm cho 9 con bò! “Thế mà bò ở Song Tử Tây vẫn béo tốt, là nguồn thực phẩm tươi quý giá của đơn vị.

Niềm vui người chiến sỹ khi nuôi thành công những con cá to, hiệu quả kinh tế cao.

Cán bộ chiến sỹ ở đảo chủ yếu ăn đồ hộp hằng ngày, vì là đảo nổi nên rất khó đánh bắt thủy sản, chỉ khi lễ Tết hay có khách quý ra thăm đảo, anh em mới được cải thiện bữa thịt tươi”, thượng úy Thái Đàm Hồng, người quản lý nguồn năng lượng sạch trên đảo cho biết.

Chia tay Trường Sa, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh giàn mướp xanh tốt, lủng lẳng mọc hiên ngang trên lô cốt công sự. Cuộc sống vẫn ươm mầm và nảy nở xanh tươi giữa bộn bề gian khổ.

Gần đây, bà con ngư dân vùng Lý Sơn, Quảng Ngãi hay tin nuôi cá lồng hiệu quả cao đã xin được ra nuôi ổn định lâu dài. “Chúng tôi đã chứng minh được cá chim trắng sống tốt giữa Trường Sa. Tương lai không xa Trường Sa sẽ là nơi làm ăn sinh sống, nuôi trồng thủy hải sản hiệu quả cho bà con dân mình” - ông Sơn nói.

Theo Báo giấy