Hình ảnh các nhà cách mạng và các tư lệnh
Nếu ai nghĩ rằng đến Cuba sẽ thấy tràn ngập tượng đài, hình ảnh Fidel thì nhầm to. Ít nhất thì dù đã đi qua hai thành phố lớn nhất Cuba là La Habana và Santiago de Cuba thì tôi cũng chưa nhìn thấy tượng đài Fidel nào cả (chỉ là không nhìn thấy chứ tôi không dám nói là không có vì đi không đủ nhiều). Hình ảnh trên pano, áp phích đây đó, với trích dẫn các câu nói nổi tiếng của ông cũng có nhưng không phải là nhiều so với một số tư lệnh hay nhà lãnh đạo nổi tiếng khác.
Người Cuba khá trân trọng những gì liên quan đến nhà văn lớn của thế giới. Một số nơi được biến thành bảo tàng, địa chỉ lưu niệm. Những nơi còn hoạt động kinh doanh thì hình ảnh Hemingway được chú ý khai thác.
Người được dựng tượng tài nhiều nhất ở hai thành phố nói trên là nhà cách mạng Jose Martí (José Julián Martí Pérez,1853-1895, nhà lãnh đạo của phong trào độc lập Cuba khỏi Tây Ban Nha, nhà thơ và nhà văn nổi tiếng của Cuba. Ông suốt đời chiến đấu cho nền độc lập dân tộc của Cuba bằng ngòi bút tài năng và cuối cùng là trực tiếp cầm súng, đứng đầu cuộc đấu tranh vũ trang. Ông hi sinh trên chiến trường năm 1895. Ông được tôn vinh là anh hùng dân tộc Cuba). Tượng của ông có thể thấy ở rất nhiều nơi.
Trên Quảng trường Cách mạng lớn nhất ở thủ đô La Habana có hình ảnh 3 người. Một là bức tượng của Jose Martí trước một tượng đài hùng vĩ. Hai là hình Che Guevara trên bức tường lớn hình như là mặt sau của toà nhà cao mười mấy tầng, với câu nói nổi tiếng “Cho đến khi chúng ta giành thắng lợi cuối cùng”. Cuối cùng là tư lệnh Camilo Cienfuegos (1932-1959, anh hùng cách mạng Cuba, bạn chiến đấu thân thiết của Fidel, người được bổ nhiệm đứng đầu lực lượng vũ trang cách mạng Cuba sau khi giành được thắng lợi nhưng đã mất ngay sau đó trong vụ mất tích của chiếc máy bay chở ông vào năm 1959 khi ông mới 27 tuổi). Hình ảnh Camilo Cienfuegos cũng được thể hiện trên bức tường lớn như hình Che Guevara với câu chúc nổi tiếng “Thành công nhé, Fidel”. Trên Quảng trường Cách Mạng rất đẹp ở thành phố Santiago de Cuba, bức tượng lớn một vị tướng cưỡi ngựa cũng không phải Fidel mà là tướng Antonio Maceo, bạn chiến đấu của Jose Martí, người cũng hi sinh trong cuộc chiến chống lại quân chiếm đóng Tây Ban Nha.
Vào khu phố cổ La Havana, nơi bán rất nhiều đồ lưu niệm, đặc biệt là áo phông thì người có hình ảnh được sử dụng nhiều nhất là Che Guevara với tấm ảnh lãng mạn bê rê đội lệch đã lan truyền khắp thế giới.
Santiago de Cuba là thành phố - cái nôi của cách mạng Cuba. Jose Martí được chôn cất ở đó. Và Fidel cũng chọn thành phố này làm nơi yên nghỉ. Và hai nhà cách mạng vĩ đại này yên nghỉ cạnh nhau trong một khu nghĩa trang tưởng niệm được thiết kế rất đẹp. Mộ Fidel khá đơn giản, một khoảnh đất vài chục mét vuông được bao bằng các trụ đá nhỏ kết nối bằng dây xích sắt, phía trước có hàng rào sắt thanh cảnh và cái cổng sắt nhỏ. Một khối đá trắng không quá lớn gắn tấm biển đá đen đề một chữ duy nhất: “Fidel”.
Người ta nói rằng đề chỉ một cái tên như thế, không có họ vì Fidel đã trở thành con người chung của cả dân tộc Cuba, không ghi ngày tháng năm sinh và mất vì ông đã trở thành bất tử.
Bên cạnh một Fidel là lăng của Jose Martí, cũng nhỏ nhắn đơn giản, màu trắng, bên trong có mộ của nhà cách mạng.
Người Cuba thích in thật lớn ở nơi công cộng những câu nói nổi tiếng của các lãnh tụ. Ở sân bay quốc tế Jose Martí thủ đô La Habana là câu “Tổ quốc là nhân loại” của Jose Martí. Là nhà cách mạng lớn, cũng là một nhà thơ, ông có nhiều câu nói bất hủ. Là nhà hùng biện hiếm có, Fidel cũng có nhiều câu nói kinh điển, trong đó có “Tổ quốc hay là chết” mà ngày nay còn thấy in cỡ chữ lớn một số nơi công cộng ở La Habana.
Một chút hương văn học
Cuba được biết đến như là nơi nhà văn nổi tiếng người Mỹ Hemingway chọn sống những quãng đời dài đáng kể và là nguồn cảm hứng để ông viết nhiều tác phẩm quan trọng. Cuốn tiểu thuyết “Giã từ vũ khí” được Hemingway viết năm 1929 ở La Habana. Chắc chắn phần lớn cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Chuông nguyện hồn ai” được viết vào năm 1939 ở Cuba. Người ta cũng nói rằng Cuba là nguồn cảm hứng để Hemingway viết cuốn tiểu thuyết ngắn nhưng là một kiệt tác đã đóng vai trò quyết định giúp ông đoạt các giải thưởng văn học danh giá, đầu tiên là Pulitzer (1953) và tiếp liền đó là Nobel (1954). Đó là cuốn “Ông già và biển cả”. Do có sở thích câu cá, ông hay tới Cojímar, một làng chài ở La Habana. Chính cuộc sống những ngư dân ở đây đã hình thành nên ý tưởng của “Ông già và biển cả”.
Hemingway đến Cuba từ cuối những năm 20 thế kỷ trước. Yêu mến hòn đảo này, ông trở lại sống ở Cuba nhiều lần trong cuộc đời phiêu bạt lãng tử của mình. Ông có quan hệ với những người Mác xít, tuyên bố ủng hộ cuộc cách mạng Cuba, quen biết với chính Fidel và được cho là đã chúc Fidel may mắn (Good luck) trong việc lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Ông có điền trang duy trì đến mấy chục năm ở ngoại ô La Habana. Sau khi cách mạng Cuba thành công, ông còn lưu lại một thời gian rồi mới về Mỹ vào năm 1960 để rồi ít lâu sau thì tự sát do bệnh tật hành hạ.
Giờ đây, người ta thống kê những địa danh ở La Habana gắn với tên của nhà văn tầm thế giới này. Nào là khách sạn Ambos Mundos, nơi ông đã sống và viết vài tiểu thuyết. Nào là nhà hàng La Bodeguita del Medio nơi ông thường xuyên lui tới. Rồi làng chài Cojímar như đã nói. Cả điền trang của ông nghe nói nay đã thành một bảo tàng…
Trong chuyến đi Cuba lần này, tôi được người dẫn đường chỉ một quán cocktail nhỏ nằm ngay đầu khu phố cổ nổi tiếng của La Habana, gần sát khách sạn Grand Hotel Manzana và một loạt khách sạn sang trọng bậc nhất ở trung tâm La Habana, nói: Quán rất nổi tiếng vì Hemingway hay ngồi. Tôi nhìn lên biển hiệu: FLORIDITA (sau tìm đọc thêm mới biết nên nay có nghĩa là “Florida nhỏ” - không biết có phải vì thế không mà Hemingway đặc biệt thích quán này?). Một tấm biển khác in chữ ký “Ernest Hemingway”. Đó là một cái quán nằm góc phố, sơn màu hồng đậm. Bước vào đập ngay vào mắt là mấy bộ vét màu đỏ tươi của mấy anh chàng pha cốc tai đang lắc tít bình pha. Quán có khoảng chục bàn, đang đông khách. Ở một góc có tượng Hemingway cỡ bằng người thật đứng nghiêng về phía trước, tất cả các nét trên gương mặt ông đều cười. Gần như đặt lọt trong lòng ông là chiếc ghế để du khách ngồi vào chụp ảnh cùng. Quán sôi động tiếng nhạc của nhóm nghệ sĩ lưu động thoắt đến thoắt đi, hát những bài hát tiết tấu nhanh Mỹ Latin. Họ hát rồi ngả mũ đi các bàn, ai bỏ bao nhiêu tiền thì bỏ.
Trong mấy ngày ngắn ngủi ở La Habana, tôi rẽ vào đây 2 lần vì có duyên đi ngang qua và vì Hemingway là nhà văn mà tôi thích, nhất là cuốn “Chuông nguyện hồn ai”. Một lần uống nước quả không cồn, và một lần thử món cocktail Daiquiri, một loại thức uống được pha chế từ rượu rum trắng, chanh, đường và đá bào mà theo Hemingway thì ở Floridita làm “ngon nhất thế giới”.
Khám phá khu phố cổ La Habana, tôi còn nhìn thấy tượng anh chàng Sancho Panza - hầu cận của hiệp sĩ Don Quihote trong tiểu thuyết của văn hào Tây Ban Nha Cervantes. Một bức tượng ngộ nghĩnh hình như bằng gang thể hiện Sancho Panza bụng bự cưỡi lừa. Giờ đây, cứ nhớ về bức tượng hài hước đó, tôi lại không nhịn được việc nở một nụ cười.