Năng suất lao động thấp là đá tảng cản đường
ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nhận định, năm 2014 rất khó khăn, con tàu kinh tế Việt Nam đã gặp phải “sóng to, gió lớn” có những lúc tròng trành. Tuy nhiên với những cố gắng lớn trong công tác điều hành chỉ đạo, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng qua đã dần ổn định, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, ông Thường cho rằng nền kinh tế của chúng ta đang bộc lộ những “điểm yếu chết người”, đó là tình trạng bội chi ngân sách lớn; nợ công áp trần; nợ xấu cao; tình trạng doanh nghiệp (DN) phá sản, ngừng hoạt động, người lao động thất nghiệp và ở đâu đó nhen nhóm hiện tượng “bần hàn sinh đạo tặc” với những vụ án hình sự, cướp của giết người tăng, y đức, y thuật, giáo dục, đào tạo đều có những vấn đề nổi cộm khiến dư luận, người dân lo lắng.
Trong khi tiến trình hội nhập sâu rộng đã ở sát bên thì cỗ xe kinh tế lại dường như đang hụt hơi và gần như hết gia tốc để tiếp tục đường đua”.
ĐB Nguyễn Phi Thường
“Trong khi tiến trình hội nhập sâu rộng đã ở sát bên thì cỗ xe kinh tế lại dường như đang hụt hơi và gần như hết gia tốc để tiếp tục đường đua”, ĐB Nguyễn Phi Thường lo ngại.
Theo đại biểu này, năng suất lao động thấp chính là hòn đá tảng cản đà tăng trưởng.
“Năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan”, ông Thường dẫn chứng và cho rằng, cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cho phép lao động có tay nghề cao, của 10 quốc gia thành viên của ASEAN được di chuyển tự do hơn trong khu vực.
Vậy chiến lược của chúng ta khi hội nhập thị trường lao động rộng lớn này ra sao? Và rất có thể yếu tố “giá rẻ” của lao động Việt Nam cũng không còn đủ sức cạnh tranh trên sân nhà.
ĐB Nguyễn Phi Thường đề nghị nhìn lại vấn đề tái cơ cấu nguồn nhân lực một cách nghiêm túc. Bởi nguồn nhân lực có chất lượng chính là chìa khóa cho tăng trưởng bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), Việt Nam đang là một trong những nước có độ mở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mặc dù kinh tế nước ta đang phục hồi, nhưng nếu nhìn về tiềm năng, với vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, chính trị ổn định, 4 năm qua, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đều dưới tiềm năng, chỉ đạt trung bình 5,7% so với tốc độ trung bình trên 7,4% của 20 năm trước đó. Đại biểu Ngân cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần thúc đẩy tăng trưởng cao trở lại trên cơ sở những quyết sách đúng.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm thảo luận tại hội trường. Ảnh: Như Ý.
Không vay ODA chi thường xuyên
ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho biết, hiện nay làm hợp đồng chuyên gia thì được trả 2,5 triệu đồng/1 bản nhưng nếu ai đó làm hợp đồng cho các dự án ODA của nước ngoài thì tới 50- 60 triệu đồng/bản, mặc dù chất lượng không khác nhau nhiều.
Chúng tôi nghĩ rằng nếu
là các dự án ODA vay thì chúng ta phải hết sức cẩn thận, vì nó sẽ tăng gánh nợ công”.
ĐB Nguyễn Văn Tiên
“Chúng tôi nghĩ rằng nếu là các dự án ODA vay thì chúng ta phải hết sức cẩn thận, vì nó sẽ tăng gánh nợ công”, ông Tiên nói và cho rằng, cần thực hiện “nguyên tắc vàng” là không vay ODA cho chi thường xuyên. Thế nhưng hiện nay có dự án hàng trăm triệu USD vay ODA chi thường xuyên.
“Các dự án ODA vay phải có ý kiến của Quốc hội trước khi đưa vào sử dụng, nếu không nợ công sẽ tăng lên, mỗi một chỗ góp vào một ít thì nợ công sẽ rất lớn và tác động rất nhiều đến con cháu chúng ta sau này”, ông Tiên lo ngại.
“Cả Cty quản lý tài sản và Cty mua bán nợ đều thiếu về quyền lực, năng lực và nguồn lực. Thực tế thiếu một trong ba yếu tố đã khó hoàn thành nhiệm vụ, ở đây thiếu cả ba yếu tố”.
ĐB Trần Xuân Hùng
ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) nhận định, đến nay nợ xấu vẫn là vấn đề rất nan giải, chúng ta chưa có giải pháp cơ bản xử lý nợ xấu.
“Cả Cty quản lý tài sản và Cty mua bán nợ đều thiếu về quyền lực, năng lực và nguồn lực. Thực tế thiếu một trong ba yếu tố đã khó hoàn thành nhiệm vụ, ở đây thiếu cả ba yếu tố”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, việc mua bán nợ là của cơ chế thị trường, Chính phủ cần có cơ chế pháp lý mạnh hơn trong việc mua bán nợ, cho phép các công ty trên được sử dụng các giải pháp mang tính thị trường thay cho các biện pháp hành chính để giải quyết mua đứt nợ xấu và đẩy mạnh các hoạt động bán nợ ra thị trường.
ĐB Đào Tấn Lộc (Phú Yên) đồng tình cho rằng, xử lý nợ xấu là vấn đề lớn của đất nước, ngân hàng là chủ công nhưng mình ngành ngân hàng không thể làm nổi mà nên có Ban chỉ đạo liên ngành do Chính phủ chỉ đạo để xử lý nợ xấu, đặc biệt nợ xấu có nguồn từ nhà nước. Việc này đầu những năm 90 chúng ta đã làm, lúc đó nợ xấu còn cao hơn bây giờ, liên quan đến nợ chéo giữa các doanh nghiệp, làm tăng nợ xấu cho ngân hàng.
“Có loại nợ xấu xuất phát từ việc tái cơ cấu lại đầu tư công, nên nhiều địa phương không có tiền để trả nợ khối lượng doanh nghiệp đã làm, nợ dây chuyền cho những doanh nghiệp vật liệu xây dựng”, ông Lộc nói.
Ý kiến bên lề
ĐB Trần Hoàng Ngân: Nôn nóng tái cơ cấu, nguy cơ thất thoát vốn
Tôi đang lo nhất là tái cơ cấu ở các tập đoàn nhà nước. Nếu mình nôn nóng cổ phần hóa bằng được, có thể bị thất thoát vốn, trong khi mục tiêu tái cơ cấu là sử dụng vốn một cách hiệu quả nhất. Sử dụng hiệu quả vốn, không nhất thiết phải cổ phần hóa, mà tổ chức quản trị, quản lý vốn tại doanh nghiệp Nhà nước mới quan trọng.
Phải làm sao gắn trách nhiệm quản lý vốn nhà nước với hiệu quả sử dụng vốn, chống thất thoát, chống tham nhũng. Cổ phần hóa phải gắn với việc niêm yết trên sàn, vì cổ phần hóa là phải định giá tài sản.
Hơn nữa, sau khi cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán thì cổ phiếu có tính thanh khoản và người mua sẽ sẵn sàng mua với giá cao hơn. Khi mua với giá cao hơn thì Nhà nước sẽ thu về được số tiền tốt nhất. Nhưng quan trọng, phải minh bạch việc thoái vốn, không làm thất thoát vốn.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Tham nhũng trong lĩnh vực công còn nghiêm trọng
Tình hình tham nhũng trong lĩnh vực công vẫn diễn ra nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, tín dụng ngân hàng, đất đai, tài nguyên khoáng sản và công tác cán bộ. Các giải pháp phòng ngừa tuy có tập trung, tích cực triển khai nhưng một số giải pháp hiệu quả chưa cao, còn hình thức. Các vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít, nhất là trong quá trình thanh tra, kiểm toán chuyển cơ quan điều tra chưa nhiều. Thu hồi tài sản cũng còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, phát hiện xử lý tham nhũng gắn với thu hồi tài sản để bảo đảm tài sản của nhà nước không bị thất thoát. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, phát hiện, nêu vấn đề để các cơ quan nhà nước có cơ sở thanh tra, kiểm tra chống tham nhũng hiệu quả.
Hồng Phúc (ghi)