Bất ngờ được làm chủ sim “rác”
Anh Lê Quý Dương là chủ thuê bao 093455xxxx của nhà mạng MobiFone. Sau khi nhắn tin đến 1414 để kiểm tra thông tin thuê bao, anh hoảng hốt khi biết ngoài số thuê bao đang sở hữu, CMND của anh đồng đăng ký sở hữu một thuê bao khác 01288032xxx. Anh Dương tỏ ra sửng sốt, không hiểu sao mình là chủ của một thuê bao lạ lẫm. Anh cho rằng mình chưa từng sử dụng đầu số này hoặc sử dụng CMND để đăng ký.
Anh Dương cũng đặt vấn đề, khi đăng ký tên chủ sở hữu thuê bao, khách hàng phải mang CMND ra cửa hàng của MobiFone, đưa cho nhân viên, photo CMND, điền tờ khai... rồi mới được cấp sim. Liệu có hay không việc nhà mạng lợi dụng thông tin của khách hàng để hợp thức thông tin thuê bao cho sim rác khác?
“Nếu ai đó sử dụng số điện thoại kia vào mục đích xấu như nhắn tin đe dọa, khủng bố, gây án hoặc giao dịch phi pháp…, nhà mạng truy nguồn gốc, chủ thuê bao này thì vô hình trung tôi vướng vào rắc rối”, anh Dương lo lắng.
Tương tự anh Lê Dương, anh Nguyễn Xuân Hùng (Hà Nội) cũng tỏ ra bất ngờ khi biết mình là chủ của số thuê bao 01689708xxx mà anh không hề biết. Anh Hùng cho biết, theo quy định của Nghị định 49, với 3 số thuê bao đầu tiên, cá nhân xuất trình giấy tờ và ký vào bản giấy hoặc bản điện tử bản xác nhận thông tin thuê bao. Với số thuê bao thứ tư trở lên, khách hàng phải thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với doanh nghiệp viễn thông di động. Như vậy, việc vô tình là chủ thuê bao khác làm hạn chế vấn đề sở hữu sim của cá nhân anh, chưa kể nhiều rắc rối có thể xảy ra khi vô tình là chủ một thuê bao lạ.
Một CMND đăng ký hơn 18.000 thuê bao
Tình trạng nhà mạng lợi dụng số CMND đăng ký hàng loạt thuê bao từng xảy ra phổ biến. Kết quả thanh tra diện rộng sim trả trước năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, 88% các chi nhánh của doanh nghiệp, 90% các điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước có sai phạm. Các sai phạm được chỉ ra như đăng ký thuê bao bằng tên không có trong thực tế như: asd, jjj, Avio Việt Nam; ảnh chứng minh thư lưu (trên hệ thống) của nhiều thuê bao di động trả trước là ảnh người uống bia, em bé, phong cảnh. Ngoài ra, tình trạng dùng một ảnh chứng minh thư để đăng ký nhiều sim sinh viên cũng diễn ra phổ biến. Theo đó, qua thanh tra, cơ quan chức năng xác định trong một năm (từ 1/6/2012-30/6/2013), tài khoản 1284725158 của nhà mạng MobiFone đăng ký thông tin cho 18.035 thuê bao sinh viên. Hàng loạt thuê bao có thông tin cá nhân giống nhau được đăng ký cùng ngày.
Nhà mạng phải chịu trách nhiệm hình sự
Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, luật sư Mai Thị Thùy Linh- Văn phòng luật sư Hợp danh Đông Nam Á cho biết, hành vi sử dụng thông tin người khác để kê khai, đăng ký hoà mạng sim “rác” của các cá nhân, tổ chức (nếu chứng minh được) thì sẽ bị phạt hành chính từ 200.000 đồng đến 200.000.000 đồng, theo Điều 30 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP, Nghị định 25/2011/NĐ-CP đã được sửa đổi Nghị định 49/2017/NĐ-CP.
Nữ luật sư cho rằng, nếu người dùng sim rác gọi điện, nhắn tin khủng bố, đe dọa ai đó hoặc gây án, người có đứng tên trên sim rác sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý do họ hoàn toàn không biết việc ai, tổ chức nào sử dụng trái phép thông tin của họ để đăng ký sim rác cũng như việc sử dụng sim rác với mục đích phi pháp. Người tự ý đăng ký và sử dụng sim rác vào mục đích phi pháp phải chịu trách nhiệm pháp lý mà không liên quan đến người “bị” đứng tên trái ý muốn.
Về phản ánh, gần đây hàng loạt khách hàng tố bị làm phiền bởi các công ty bất động sản, tín dụng gọi điện, nhắn tin chào mời sử dụng dịch vụ. Thậm chí, nhân viên các đơn vị này biết rõ tên, địa chỉ, ngày tháng năm sinh. Khách hàng nghi ngờ, thông tin cá nhân của họ bị nhà mạng bán, luật sư Thùy Linh cho rằng, đây là kết quả tất yếu của việc rò rỉ thông tin người dùng của các nhà mạng, vi phạm Điều 6 - Luật Viễn thông; Xâm phạm bí mật cá nhân, theo Điều 38 - Bộ luật Dân sự.
Tuy nhiên, cần làm rõ việc rò rỉ do vô ý, khách quan hay cố ý thì cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ. Nếu rò rỉ do vô ý, khách quan thì nhà mạng phải có trách nhiệm khắc phục và bồi thường thiệt hại. Nếu thông tin bị bên thứ ba xâm nhập, khai thác trái phép thì bên thứ ba có thể bị xem xét trách nhiệm pháp lý, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, theo Điều 288 hoặc tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, Điều 289 - Bộ luật Hình sự.
Theo bà Linh, nếu rò rỉ do lỗi cố ý, như cung cấp thông tin khách hàng do mình quản lý cho chủ thể khác thông qua việc tặng cho, mua bán, trao đổi thì nhà mạng sẽ bị xem xét trách nhiệm pháp lý. Tuỳ tính chất vụ việc, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng làm rò rỉ thông tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” hoặc tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, theo Điều 159 Điều 288 - Bộ luật Hình sự.
Về việc phải bổ sung ảnh chân dung bên cạnh CMND, bà Lê Thị Ngọc Mơ - Phó cục trưởng Viễn thông giải thích, giấy tờ tùy thân của khách hàng có thể được (nhân viên giao dịch) lấy của người này gắn cho người khác và rất khó để kiểm soát.