Sáng 27/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ đánh giá, hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều đổi mới, cải tiến về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.
Đáng lưu ý, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tham mưu giúp Đoàn giám sát tổ chức 3 đoàn công tác để khảo sát, làm việc trực tiếp tại 6 tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị; lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý…
Cũng trong năm 2022, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên giải trình đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về “Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp”.
Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay đó là tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt.
Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đổi mới, tăng cường thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội với chủ trương chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, huy động tối đa sự tham gia của đại biểu Quốc hội, các cơ quan là chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát...
Theo bà Thuỷ, để chuẩn bị cho phiên giải trình, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã khảo sát tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình thực hiện pháp luật về lĩnh vực này, đồng thời, nghiên cứu Báo cáo của Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế và một số Bộ có liên quan.
Sau phiên giải trình, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã ban hành Kết luận, trong đó đề xuất một số kiến nghị để khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực hiện pháp luật về viên chức, trong đó có pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, khó khăn vướng mắc được bà Thuỷ chỉ ra, là việc cân đối thời gian rất khó khăn do cán bộ, công chức còn thiếu. Ngoài ra, việc mời chuyên gia tham gia các tổ giúp việc còn có khó khăn, do số lượng chuyên gia ít trong khi nhiều tổ lại hoạt động trong cùng thời điểm; bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ đối với chuyên gia thấp nên khó thu hút được các chuyên gia giỏi. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị giám sát cũng chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên...
Giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát, theo bà Thuỷ, việc lựa chọn nội dung giám sát, nhất là giám sát chuyên đề cần tập trung vào những vấn đề bất cập, bức xúc có tính thời sự của đất nước, được cử tri, Nhân dân quan tâm; đồng thời, cần xác định rõ trọng tâm trong từng nội dung giám sát.
Đề nghị giám sát quy hoạch, quản lý đất đai
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đánh giá, các nội dung được lựa chọn giám sát đều là những vấn đề lớn, quan trọng, là điều kiện để các cấp chính quyền địa phương đánh giá một cách nghiêm túc tình hình tổ chức thực hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập.
Theo ông Tuấn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hà Nội đã phối hợp triển khai 4 Đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 5 đoàn giám sát của các Ủy ban của Quốc hội, trong đó có nhiều nội dung lớn, phức tạp, quan trọng. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội chủ động tổ chức 1 đoàn khảo sát chuyên đề về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
“Các vị đại biểu Quốc hội Thành phố đã rất trách nhiệm, tham gia đầy đủ và đóng góp nhiều ý kiến tại các cuộc giám sát. Những nội dung giám sát chuyên đề được thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các vấn đề an sinh được cử tri quan tâm”, ông Tuấn cho hay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội còn có những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện như nội dung giám sát rộng, đối tượng chịu sự giám sát lớn, nên báo cáo giám sát còn dàn trải; có báo cáo của đơn vị bám sát đề cương, chưa thật sự đánh giá khách quan về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu theo yêu cầu của Đoàn giám sát dẫn đến phải bổ sung nội dung báo cáo.
Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội đề nghị tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh COVID-19…