Ngày 13/3, Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương tổ chức góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại hội nghị, đại diện Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương đã đề cập đến chính sách đất đai đối với nhà ở cho công nhân xa quê.
Cụ thể, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết tại điểm b, khoản 4, Điều 22 Nghị định số 49 về sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 100 của Chính phủ hướng dẫn Luật Đất đai, quy định: “Trường hợp đối tượng đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH) không có hộ khẩu thường trú theo quy định tại điểm a, khoản này thì phải có bản sao giấy xác nhận đăng ký tạm trú và giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng NƠXH”.
Theo bà Trân, quy định trên đồng nghĩa với việc người dân từ các tỉnh, thành khác đến sinh sống tại Bình Dương thuộc trường hợp người lao động phi chính thức (làm nghề tự do, làm việc tại doanh nghiệp dưới 1 năm, làm việc từ đủ 1 năm trở lên nhưng do DN còn nợ bảo hiểm xã hội, chưa đóng đủ 1 năm bảo hiểm xã hội… thì người lao động đó không đủ điều kiện mua nhà và vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội).
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho rằng hiện nay nhu cầu mua NƠXH rất cao. Các dự án xây xong tới đâu, có người mua hết tới đó. Một bộ phận người lao động xa quê vẫn chưa mua được buộc phải thuê nhà trọ với môi trường chật chội, nóng bức, thiếu ánh sáng, ẩm thấp…
Để khắc phục tình trạng trên, bà Trân đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải có quy định hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân vay với lãi suất ưu đãi để người dân có điều kiện đầu tư xây dựng nhà trọ cho người lao động thuê.
“Thực tế, nhiều khu NƠXH hiện được xây dựng rất xa các khu công nghiệp, nơi làm việc của người lao động khiến cho việc đi lại của người dân mất nhiều thời gian, tăng nguy cơ ùn tắc giao thông và thêm khó khăn về tài chính do giá nhiên liệu (xăng, dầu) tăng cao. Do đó, đề nghị khi quy hoạch khu đất xây dựng NƠXH phải chú ý đến nơi gần các khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư muốn chuyển đổi một số dự án nhà ở thương mại thành NƠXH nhưng thủ tục chuyển đổi khó khăn và mất nhiều thời gian”, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân nêu ý kiến.
Trong số khoảng 1 triệu lao động ngoài tỉnh đến Bình Dương, đã có khoảng 480.000 người có nhà ở ổn định (mua nhà riêng, mua NƠXH, ở cùng gia đình hoặc người thân di cư). Ngoài ra, tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho người lao động, đáp ứng cho gần 50.000 người, số còn lại đang phải thuê nhà để ở.
Ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết địa phương đưa vào sử dụng 25 dự án NƠXH độc lập trên diện tích 140 ha đất với gần 1,4 triệu m2 sàn xây dựng, cung cấp trên 34.000 căn NƠXH.
Dự kiến nhu cầu về vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 để phát triển NƠXH ở Bình Dương là khoảng 45.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch phát triển NƠXH, Bình Dương bố trí quỹ đất tại khu công nghiệp, dự kiến bố trí khoảng 700-900 ha từ các dự án quy hoạch khu công nghiệp mới và rà soát khu công nghiệp đã hoàn thành nhưng chưa sử dụng hết diện tích đất. Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị (khoảng 100 ha) từ 32 dự án nhà ở thương mại có dành quỹ đất để phát triển NƠXH theo quy định.
Đặc biệt, Bình Dương sẽ dùng quỹ đất để phát triển NƠXH do thu hồi đất từ các cơ sở sản xuất di dời ra các khu công nghiệp, các khu công nghiệp hết thời gian hoạt động (khoảng 200 ha).