80 NĂM ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM:

Kích thích năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ

TP - NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam thẳng thắn nêu hiện trạng ách tắc, thủ tục rườm rà trong hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật. Nhiều đại biểu trong tọa đàm Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức ngày 2/3 kiến nghị giải pháp cho nền văn học nghệ thuật.
Nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực như sân khấu, xiếc... mang nặng gánh mưu sinh

Nhiều điểm nghẽn

Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật (VHNT) của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Tọa đàm Đề cương về Văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam nhằm nhận thức sâu sắc những quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa, văn nghệ và giá trị lý luận thực tiễn của Đề cương trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam nêu thực trạng phát triển văn hóa không đồng bộ trên cả nước. “Tỉnh nào có điều kiện kinh tế dành nhiều đầu tư cho văn hóa, tỉnh nào khó khăn lại cắt giảm ngân sách cho văn hóa trước tiên. Giả sử, ngân sách trung ương dành cho văn hóa là 1,8%, xuống cấp tỉnh chỉ còn 1,5%…”.

Chia sẻ quan điểm về kinh phí hỗ trợ sáng tạo VHNT của Chính phủ, NSND Vương Duy Biên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc, chậm trễ, với quá nhiều văn bản giấy tờ... gây khó khăn cho hoạt động của các hội VHNT, văn nghệ sĩ trong cả nước. Ông khẳng định trong tình hình đất nước hiện nay, cần có sự quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện các Nghị quyết đã có của Đảng về VHNT nói riêng và về văn hoá nói chung. Ông cũng kiến nghị, những thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu cần được loại bỏ.

“Một chặng đường dài 80 năm, văn hóa Việt Nam định hình một bản sắc như hiện nay, vẫn thấm đẫm 6 chữ dân tộc - khoa học - đại chúng. Tôi nghĩ cuộc sống xã hội hôm nay với điều kiện và vị thế đã tốt lên rất nhiều, biên độ và khái niệm của 6 chữ đó có thể được rộng mở, nhưng tinh thần và điều xác tín của dân tộc - khoa học - đại chúng vẫn đang đồng hiện trong đời sống văn hoá của đất nước ta...”, NSND Vương Duy Biên nói.

Sau khi nghe những tham luận tại toạ đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm nhận thấy sự trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm, tình cảm của những người đứng đầu các hiệp hội, hội, những người công tác trong lĩnh vực VHNT. Ông khẳng định qua thực tiễn lịch sử 80 năm, Đề cương về Văn hoá Việt Nam là sự khai phá mở đường, là nền tảng lý luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ.

“Cho đến nay, một số nội dung cụ thể trong Đề cương về Văn hoá Việt Nam đã được thực tiễn điều chỉnh, bổ sung và phát triển một cách biện chứng, nhưng những tư tưởng cốt lõi thì vẹn nguyên giá trị và đóng vai trò hạt nhân trong đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ta. Dưới ánh sáng của Đề cương, Đảng, Nhà nước trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ chung tay xây dựng được nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam xã hội chủ nghĩa với những thành tựu to lớn, toàn diện”.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm

Chờ thành quả xứng tầm

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội nêu một số lý do dẫn đến thực trạng văn hóa nước nhà chưa phát triển đúng mức, xứng tầm. Trong đó, hai nguyên nhân quan trọng là nguồn lực đầu tư thấp, manh mún, các tổ chức, văn nghệ sĩ thiếu sức sáng tạo và chủ động. “Không chỉ các cấp, ngành, địa phương mà ngay cả cộng đồng còn chưa quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung… Cơ chế chi phối sự vận hành của nền VHNT vẫn mang nặng dấu ấn tập trung quan liêu, khiến cho các nỗ lực đổi mới nửa vời, kém hiệu quả, thậm chí lệch chuẩn”, NSND Trần Quốc Chiêm bày tỏ.

Ông đưa ra ba giải pháp để có được những đóng góp tương xứng hơn, bao gồm: Coi chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa là vấn đề cấp thiết, chú trọng giải pháp giáo dục và chăm lo cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong điều kiện mới.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của những người làm VHNT là tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tác, lý luận, phê bình. “Chất lượng, hiệu quả của VHNT chính là phẩm chất, tài năng, công sức, tâm huyết của giới làm VHNT. Phải có tác phẩm hay mới chạm đến công chúng. Công chúng luôn mong đợi những tác phẩm có chất lượng cao”, nhà thơ Hữu Thỉnh nêu.

Gánh nặng mưu sinh

Trong tham luận, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nêu những điểm nghẽn tác động không tốt tới đời sống văn học nghệ thuật trong những năm qua, khiến các Nghị quyết của Đảng về văn hóa văn nghệ chưa đi sâu vào đời sống.

Gánh nặng mưu sinh luôn đè nặng lên vai nghệ sĩ, bởi thu nhập chính đáng từ sản phẩm văn học nghệ thuật không đủ sống, mức sống của văn nghệ sĩ đang ở tầng nấc thấp của mặt bằng chung trong xã hội.

NGỌC ÁNH

Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm nêu những yêu cầu được đặt ra để phát triển VHNT Việt Nam. Đó là tiếp tục nâng cao, thay đổi nhận thức của hệ thống chính trị các cấp về bản chất, đặc trưng của VHNT, về vị trí của lĩnh vực này đối với sự phát triển bền vững của đất nước, tập trung nghiên cứu, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam và phát huy mạnh mẽ vai trò của phê bình, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, cải thiện môi trường sáng tạo cho văn nghệ sĩ, đặc biệt cần nuôi dưỡng đội ngũ kế cận, nâng cao năng lực thẩm mỹ của công chúng, nhất là người trẻ.

Cụ thể, ông Trần Thanh Lâm khẳng định, văn học nghệ thuật phải được xem là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và của từng ngành, từng địa phương. Các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về VHNT thành các văn bản luật, cơ chế, chính sách và các quy định phù hợp với thực tiễn, có khả năng điều chỉnh sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực này.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm nhấn mạnh cơ chế, chính sách cụ thể hơn nữa, hướng đến xây dựng môi trường văn hóa sáng tạo để phát huy cao nhất tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.