Khúc mắc ở phố bích họa Phùng Hưng

TP - Dự án bích họa phố Phùng Hưng đang thi công bị gián đoạn. Hội đồng của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có ý kiến về các tác phẩm được lựa chọn.
Tác phẩm của Trần Hậu Yên Thế gây tranh cãi. Ảnh: Bảo Hân.

TRANH CÃI

Dự án bích họa phố Phùng Hưng khởi động đầu tháng 11 và dự kiến hoàn thiện cuối tháng, gồm 19 tác phẩm do UBND quận Hoàn Kiếm mời các họa sỹ Hàn Quốc và Việt Nam thể hiện. Số tác phẩm này nhằm làm đẹp không gian vòm cầu đá đoạn dẫn lên cầu Long Biên. Nghệ sỹ Hàn Quốc hoàn thiện một số bức vẽ còn nghệ sỹ Việt Nam đang tạm dừng vì một số khúc mắc. Ngày 14/11, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế- tác giả bức tranh ở vòm cầu số 71- lên tiếng trước việc Sở VHTT Hà Nội loại tranh của anh trước giờ thi công. Sở và Hội đồng chuyên môn yêu cầu tác giả phải bỏ phần xé và hai cánh cửa bên ngoài, đồng thời đặt câu hỏi về lí do chọn số nhà 63.

“Hiện nay sự biến đổi đô thị đang theo chiều hướng xấu đi, chúng ta cần nỗ lực khôi phục lại diện mạo của nó. Tác phẩm của tôi mang câu chuyện lịch sử và gửi nguyện ước muốn Hà Nội ngày đẹp lên nhưng không đánh mất quá khứ, tinh hoa của di sản được bảo tồn. Ngôi nhà 63 Phùng Hưng kiến trúc Pháp thuần khiết rất đẹp, nhưng nay cánh cửa bị tháo đi và thay đổi nhiều do không được xếp hạng”, Trần Hậu Yên Thế lí giải. Phần xé ra theo chủ ý của tác giả để người xem hình dung ra sự thay đổi của lớp kiến trúc xưa-nay, chứ không hề có những “suy diễn” so sánh quá khứ-hiện tại như ý kiến của hội đồng.

Trước đó, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm giải thích tác phẩm của Yên Thế là tấm gương phản chiếu ngôi nhà 63 Phùng Hưng. Quận không chủ trương áp đặt mà luôn để nghệ sỹ tự do sáng tạo với mong muốn tạo ra không gian nghệ thuật công cộng, có sự tương tác giữa nghệ sỹ và cộng đồng. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí sáng 16/11, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Quốc Chiêm cho biết, hội đồng yêu cầu bỏ tác phẩm của Yên Thế và tác phẩm sắp đặt chợ xe máy cũ Phùng Hưng, đồng thời yêu cầu các nghệ sỹ chỉnh sửa một số chi tiết cho phù hợp.

ÁP ĐẶT?

Ngoài hai tác phẩm bị loại, hội đồng còn yêu cầu chỉnh sửa khá nhiều trên từng tác phẩm. Chẳng hạn, với tác phẩm máy nước công cộng của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, hội đồng yêu cầu đổi hết các phần sắp đặt như máy nước, thùng đựng nước và biến thành tác phẩm bích họa đơn thuần. Tác phẩm Tết Việt Nam vẽ ông đồ cho chữ trên phố được yêu cầu đổi tên, vẽ thêm người xem và xin chữ. Bức khung cảnh bờ Hồ được gợi ý biến thành Chùa Báo Ân xưa. Ông Trần Quốc Chiêm nói, hội đồng yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm và các nghệ sỹ phải đưa ra chủ đề xuyên suốt cho 19 tác phẩm. Cuối cùng các tác phẩm này được “gọt chân cho vừa giày” theo chủ đề Ký ức Hà Nội.

Trần Hậu Yên Thế cho biết anh chưa nhận được văn bản chính thức, trước ý kiến của hội đồng anh ngỏ ý muốn rút khỏi dự án bích họa Phùng Hưng. Được biết, nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn không bằng lòng với việc thay đổi tác phẩm máy nước công cộng.  “Nghệ sỹ tham gia một cách tự nguyện, không lấy cát-xê thậm chí nhiều người bỏ tiền ra đầu tư rất nhiều cho tác phẩm, cho nên sẽ rất khó cho họ khi buộc phải hy sinh cá tính và chấp nhận chỉnh sửa”, Yên Thế nói. Đặt câu hỏi cho lãnh đạo Sở về việc hội đồng đang áp đặt lên sự sáng tạo của nghệ sỹ, ông Trần Quốc Chiêm cho rằng dự án liên quan di sản đô thị Hà Nội nên cần thận trọng.

Trước nguy cơ nghệ sỹ rút lui khiến ảnh hưởng tới dự án bích họa đang nhận được sự ủng hộ của nhà chuyên môn và dư luận, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết tiếp tục thuyết phục nghệ sỹ và hội đồng để tìm tiếng nói chung. Dự án bích họa Phùng Hưng được thực hiện trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, là giai đoạn đầu để người dân có thói quen tìm đến với không gian công cộng. Trong tương lai, khu vực Phùng Hưng trở thành phố đi bộ.