Chưa biết bao giờ hết ùn tắc giao thông
Nhóm vấn đề đầu tiên được các đại biểu quốc hội đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng gồm: Các giải pháp để hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Sau khi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Bộ trưởng trẻ, dám nghĩ, dám làm, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: Trước tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông xảy ra hết sức nghiêm trọng, cầu đường là các công trình vĩnh cửu nhưng làm trước hư sau, vì vậy Bộ trưởng có giải pháp gì mang tính đột phá để giái quyết thực trạng trên?
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thành Tâm hỏi: Trong đầu tư xây dựng cơ bản có tình trạng làm chậm, hỏng nhanh do chất lượng thi công kém, trách nhiệm loanh quanh, đùn đẩy, trong khi hậu quả người dân phải gánh chịu. Khi hỏng, nhà nước phải bỏ tiền ra sửa chữa, mất tiền hai lần (bao gồm cả tiền đầu tư trước đó). Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì?
Bộ trưởng Thăng thừa nhận vấn đề tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đang gây nhiều bức xúc trong xã hội, gây thiệt hại lớn đến sự phát triển của đất nước. Hằng năm, bình quân tai nạn giao thông khiến 12.000 người chết, bình quân mỗi tháng 1.000 người chết.
Ông Đinh La Thăng cho biết, mới được bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (ba tháng 15 ngày).
"So với nhiệm kỳ năm năm 60 tháng thì thời gian mới được 5,5%, mới chỉ ở bước xuất phát. Do vậy, từ ý tưởng cho đến việc triển khai đều mới bắt đầu. Vì vậy, tôi cũng cần có thời gian nhất định để nắm bắt công việc và đề xuất các giải pháp. Tất nhiên, không thể chờ đến khi có thời gian nhất định mời làm mà quan điểm của chúng tôi là hành động ngay, những gì làm được sẽ làm ngay" - ông Thăng nói.
Về vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông, mấu chốt là tập trung đầu tư cải tạo, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách đồng bộ và hoành chỉnh. Trong đó, phải tập trung mở rộng, nâng cấp đầu tư cho quốc lộ 1A. Tập trung phát triển đường cao tốc Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển, đường vành đai biên giới kết hợp với phát triển giao thông nông thôn.
Đối với nước ta, đầu tư giao thông phải đồng bộ, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không. Đối với hệ thống đường săt, cần cải tạo nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội-Vinh, TPHCM - Nha Trang...
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền bày tỏ chia sẻ với Bộ trưởng mới lần đầu trả lời chất vấn. Ông Thuyền kiến nghị Bộ trưởng chỉ rõ những giải pháp mang tính chất đột phá, mấy năm thì Bộ trưởng có thể giảm bớt được tai nạn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông?
Theo Bộ trưởng Thăng, đã đến lúc chúng ta phải hành động, chứ không phải đưa ra những giải pháp này, giải pháp kia. Giải pháp đột phá ở đây là phải nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước, trước hết là những người thực thi công vụ phải thực hiện trách nhiệm của mình.
"Hằng ngày có trên 30 người chết, trên 30 người bị thương. Ngay sáng nay, tôi cũng nhận được tin một vụ tai nạn giao thông ở Quảng Nam làm sáu người chết. Các ngành, các cấp, toàn dân phải cùng hành động"- ông Thăng nói.
Bộ trưởng Thăng cho rằng, Thái Lan, Trung Quốc cũng ùn tắc, tai nạn rất nhiều. Không thể khẳng định được bao giờ hết tai nạn, ùn tắc giao thông.
"Chúng tôi chỉ mong rằng sẽ kiềm chế và giảm dần. Mục tiêu phấn đấu mỗi năm sẽ giảm 5-10%, và cải thiện giao thông trong cả nước và ở các thành phố lớn" - Ông Thăng nói.
Không dự báo tuổi thọ công trình
“Tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông là vấn đề tất yếu của quá trình phát triển kinh tế xã hội. Đối với nhiều nước trên thế giới, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông cũng đang là một vấn đề hết sức lớn.
Ngay xung quanh chúng ta đây, Thái Lan cũng ùn tắc, cũng tai nạn rất nhiều. Trung Quốc cũng vậy. Cho nên tôi cho rằng, với sự quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân và sự thực hiện hết sức quyết liệt của người thực thi công vụ thì tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông sẽ giảm. Chứ còn nói bao giờ giảm hết thì chưa thể khẳng định được.
Chúng tôi chỉ mong rằng tai nạn giao thông sẽ được kìm chề, giảm dần như mục tiêu chúng ta đưa ra là mỗi năm giảm từ 5-10%. Về ùn tắc giao thông sẽ cải thiện giao thông trong cả nước và các thành phố lớn” - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm đánh giá cao tinh thần và quyết tâm thực hiện những giải pháp của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đưa ra. Tuy nhiên, đại biểu Tâm đề nghị Bộ trưởng khẳng định quyết tâm trong việc xử lý nghiêm cán bộ công chức, đặc biệt là những trường hợp có biểu hiện tiêu cực.
Bộ trưởng Thăng khẳng định, cần phải công khai minh bạch trong quá trình thi công, quản lý. Nếu phát hiện có biểu hiện tiêu cực, vi phạm trong quá trình quản lý, kể cả nhà thầu, tư vấn thiết kế không đạt yêu cầu sẽ có giải pháp xử lý ngiêm khắc, kỷ luật hoặc cách chức, đồng thời thay thế kịp thời đội ngũ mới có chất lượng, năng lực tốt.
Về tuyến đường cao tốc TPHM – Trung Lương, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Bộ trưởng Thăng trả lời rõ cách khắc phục ổ voi, ổ gà để hạn chế tai nạn giao thông? Theo bà Khá, công trình cao tốc TPHM – Trung Lương vừa được đưa vào khai thách đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nhiều tai nạn.
Quyết định “trảm tướng”, tạm đình chỉ công tác giám đốc điều hành dự án ô tô cao tốc TPHCM rất được hoanh nghênh. Bà Khá hỏi quan điểm của Bộ trưởng về việc Ban an toàn giao thông tỉnh Long An đề nghị xử lý hình sự chủ đầu tư dự án đường cao tốc này vì để đường hư hỏng nặng. Đại biểu tỏ ý mong muốn Bộ trưởng Giao thông tiếp tục chỉ đạo xử “đến đầu đến đũa”?
Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận tình trạng xuống cấp nhanh chóng của tuyến đường cao tốc này. “Về cao tốc TPHCM – Trung Lương, chất lượng công trình đoạn qua tỉnh Long An không đảm bảo chất lượng, do ban quản lý yếu kém, tư vấn giám sát cũng kém nên đã yêu cầu đình chỉ giám đốc ban điều hành, yêu cầu các nhà thầu khảo sát lại, khắc phục lại chất lượng của đường cao tốc” – Bộ trưởng Thăng trả lời.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, các dự án khác sẽ rút kinh nghiệm từ vụ việc này để làm tốt hơn.
Về dự án nâng cấp Quốc lộ 20, trả lời chất vấn của đại biểu Trương Văn Trở, ông Thăng cho biết, do có vấn đề về vốn đầu tư nên công trình còn chậm tiến độ. Tuy nhiên, do đây là dự án lớn nên sẽ tiếp tục thực hiện theo hướng kêu gọi đầu tư nước ngoài và phân kỳ theo từng giai đoạn.
“Riêng việc đường vận chuyển bô xít, đường cho phép tải trọng bao nhiêu thì nhà thầu được phép vận chuyển bấy nhiêu. Không có chuyện nhà thầu đi trước, các cơ quan ban ngành phải thực hiện theo những yêu sách của nhà thầu. Trong điều kiện hiện nay, các nhà thầu khi vận chuyển bô xít chỉ được vận chuyển tải trọng dưới 25 tấn”.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) chất vấn vì sao lại phải nâng cấp tuyến đường sắt xây dựng từ thời pháp thuộc với kích thước đường ray chỉ 1m. Trong khi đó, rất nhiều người dân đề xuất ý tưởng đến năm 2025 xây dựng cặp đường sắt cao tốc nối Bắc Nam vận tốc chỉ khoảng 200km, chứ chưa cần 300-400km như các nước. Ý kiến bộ trưởng về vấn đề này?
Đồng tình với cách đặt vấn đề của đại biểu Trần Du lịch về việc mở rộng đường sắt, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, đây là chuyện tất yếu, vấn đề hết sức lớn, cần nghiên cứu thận trọng, bài bản. Trong 10 năm tới sẽ đầu tư vào hệ thống đường sắt hiện nay để nâng tốc độ chạy tàu lên 120 km một giờ. Còn việc mở rộng đường sắt khổ 1.435 mm, ông Thăng chia sẻ, sau khi có báo cáo lại phương án vào quý hai năm 2012, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) chất vấn, tình trạng đường kém chất lượng hiện nay là do công nghệ hay do thất thoát, nếu thất thoát thì bao nhiêu phần trăm, trách nhiệm thuộc về ai? Giái pháp như thế nào? Bộ Giao thông có quy định tuổi thọ công trình, cũng như có hay không việc bán thầu vì đây là vấn đề cốt lõi quyết định chất lượng công trình?
Bộ trưởng Thăng khẳng định, chất lượng công trình do nhiều yếu tố, không thể tránh khỏi thất thoát. Về vấn đề tuổi thọ, Bộ trưởng cho rằng, không có dự báo tuổi thọ.
Bộ trưởng cũng thừa nhận có việc bán thầu. Theo ông Thăng, có một số nhà tài trợ không cho doanh nghiệp ngành giao thông vận tải tham gia, dù đó là những đơn vị mạnh nhất, trong khi một số các công ty con, công ty cổ phần năng lực yếu nhưng theo yêu cầu của nhà tài trợ lại trúng thầu.
“Chúng tôi đã báo cáo, đề nghị sửa đổi quy định luật đấu thầu để chất lượng công trình được đảm bảo”, ông Thăng cho hay.
Bộ trưởng khẳng định, sẽ thay thế các nhà thầu, tư vấn giám sát, thiết kế không đảm bảo chất lượng, nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình.
Nâng cao năng lực quản lý
Việc quản lý của nhà nước đối với vấn đề an toàn giao thông, tai nạn giao thông vẫn còn yếu kém. Việc xử lý vi phạm giao thông chưa nghiêm, hoặc việc thực thi nhiệm vụ của các cán bộ giao thông, nạn mãi lộ….cũng tác động đến ý thức tham gia của người tham gia giao thông.
Theo Bộ trưởng Thăng, vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền, các bộ ngành từ trung ương tới địa phương hết sức quan trọng. Đây không chỉ là việc riêng của ngành giao thông, Bộ giao thông. Các ngành, địa phương phải coi việc thực hiện nhiệm vụ giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông cũng là một nhiệm vụ chính trị như nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Về vấn đề ùn tắc giao thông, trách nhiệm chủ trì thuộc về chính quyền địa phương, đặc biệt là chủ tịch và chính quyền hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với trách nhiệm là quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông, chúng tôi cũng đã chủ động tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương, đặc biệt là hai thành phố lớn để xử lý.
Phái có giải pháp đồng bộ, tổng thể cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, không thể cứ chờ đầy đủ giải pháp mới làm. Bộ trưởng Thăng lấy ví dụ: "Vừa rồi, với quyết định đổi giờ, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là giải pháp chấp vá, manh mún, tuy nhiên, với chúng tôi, giải pháp đó tuy là trước mắt nhưng nó nằm trong giải pháp tổng thể của chính phủ đưa ra. Phải hành động ngay không thề chờ đẩy đủ các giải pháp mới thực hiện được".
Bộ trưởng Thăng cho rằng, nếu thực hiện nghiêm nghị quyết 13 của chính phủ thì không thể có tình trạng nhà cao tầng mọc lên hàng loạt ở nội đô như vậy, không thể có tình trạng vỉa hè mang cho thuê giữ xe như vậy. Việc xử lý trước mắt và lâu dài thì vai trò của chính quyền các địa phương, vai trò quản lý nhà nước, của bộ giao thông vận tải phải đi đầu, tiếp đó là vai trò, ý thức của người dân.