Không rõ địa chỉ gây lãng phí

TP - Chiều 19/9, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng vốn, kinh phí và tài sản Nhà nước, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, báo cáo còn lạc quan và không có địa chỉ cụ thể.

> Trường học bỏ hoang, nhà thầu...bật khóc
> Những ngôi trường bỏ hoang giữa Thủ đô

Dân còn nghèo, sao trụ sở xây như cung điện

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng “báo cáo nên mức độ thôi” vì mới hôm qua nhận định tham nhũng vẫn còn “tinh vi, phức tạp” nay đánh giá về lãng phí lại nêu “đạt được kết quả quan trọng”. Ông Sơn khẳng định, thực tế không diễn ra như những gì Chính phủ nhận định, ngay trong báo cáo cũng nêu trong 7 tháng, có 36.450 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định.

Đồng tình với việc cần chỉ ra địa chỉ cụ thể những cơ quan, địa phương gây lãng phí thất thoát, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị cần làm rõ việc giải quyết những bất cập về đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình quốc gia đã được báo chí phản ánh rất nhiều như đầu tư dàn trải, quy hoạch treo, dự án treo…

Nhắc lại việc ngân sách phải chi hơn 155 tỷ đồng cho nhà thầu Nhật Bản tại dự án cầu Nhật Tân (Hà Nội) do giải phóng mặt bằng chậm, ông Huỳnh Ngọc Sơn lưu ý còn rất nhiều dự án, công trình khởi công xong rồi để đó, hơn nữa còn có dấu hiệu liên quan tham nhũng.

Trước thông tin tình trạng đầu tư xây dựng quảng trường, trung tâm hội nghị, nhà văn hóa của một số địa phương vượt quá nhu cầu cần thiết, tần suất sử dụng thấp, kinh phí bảo dưỡng, duy trì lớn trong khi ngân sách nhà nước (NSNN) đang rất khó khăn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị báo cáo cần có phụ lục chỉ đích danh cơ quan đơn vị nào, ngành nào, tỉnh nào lãng phí.

Một số tỉnh xây trụ sở cơ quan Nhà nước để phục vụ dân mà xây rộng mênh mông, như công viên, thắng cảnh. “Dân còn đang nghèo như thế, sao nhiều nơi lại xây trụ sở nguy nga như cung điện?”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đặt câu hỏi.

Ông Phước thẳng thắn đề nghị phải công khai cho cả nước biết nơi nào sai phạm, kể cả trụ sở tỉnh ủy. Bởi không ai đứng ngoài pháp luật, cơ quan Đảng càng phải gương mẫu. Làm như vậy là bảo vệ Đảng, giữ niềm tin của nhân dân.

Ông Phước cho rằng, với vai trò là người gác cổng cho Chính phủ, Bộ Tài chính phải có dũng khí, “nếu cứ du di, việc nước sẽ hỏng”.

Chúng ta tự nói dối nhau

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, khả năng thu NSNN không đạt dự toán nhưng tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn và tăng cao đột biến ở một số địa phương. Bên cạnh đó chi NSNN còn để xảy ra lãng phí, chi chuyển nguồn lớn và không giảm, gây lãng phí NSNN ở một số địa phương.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, chế độ chi tiêu, đặc biệt chi thường xuyên của chúng ta quá lạc hậu, khó quản lý. Điều đó khiến cho chúng ta vô hình trung nói dối nhau. “Vừa mới hôm qua tôi đi họp, người ta cũng cho ký giấy từ một thành hai. Có nhiều chuyện chúng ta biết đấy, nhưng nói ra cũng dở”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Theo Bộ Tài chính, công tác cải cách hành chính của không ít cơ quan, đơn vị vẫn còn chậm, kết quả chưa cao, tình trạng chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, thời gian làm việc vẫn diễn ra. Cơ chế khoán biên chế và giao quyền tự chủ về tài chính còn nhiều hạn chế bất cập, chưa khuyến khích các đơn vị thực hiện giảm biên chế. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng than mặc dù có thông tin nêu 30% cán bộ công chức làm việc không hiệu quả, “nhưng không giảm được biên chế mà vẫn phải chi lương”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất hàng loạt giải pháp như cắt giảm chi thường xuyên 10%, thực hiện kế hoạch khoán chi đi kèm với chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ; định mức chi thường xuyên gắn với trách nhiệm người đứng đầu; đồng bộ cải cách hành chính, tinh giảm biên chế.

Trước nhận định của Chính phủ về việc một bộ phận người dân vẫn còn biểu hiện lãng phí, phô trương, hình thức... ông Huỳnh Ngọc Sơn gay gắt đề nghị không nên nhắc đến nhân dân trong báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. “Dân mình nghèo quá, lấy đâu ra để lãng phí. Có lãng phí chỉ Nhà nước lãng phí mà thôi”, ông Sơn nói.

Trả lời Tiền Phong về việc hàng loạt sân vận động cấp huyện Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Nội) xây dựng vượt khung, lên tới hàng triệu USD, ông Ksor Phước cho rằng, phải kiên quyết chỉ ra người đứng đầu chịu trách nhiệm về những lãng phí này.

Theo Báo giấy