Những học sinh nghèo đã vỡ òa trong hạnh phúc, vì từ đây các em có ngôi nhà mới khang trang để ở và học, không lo phải nghỉ học khi mùa mưa bão tới.
Đến chia sẻ niềm vui với các em không chỉ có thầy cô giáo, lãnh đạo các bộ, ban ngành T.Ư và địa phương mà còn có đông đảo người dân và phụ huynh. Dắt mẹ vào xem chỗ ở mới của mình, Phạm Hải Đăng, học sinh lớp 6C nói như reo: “Từ nay bố mẹ yên tâm nhé. Được ở trong ngôi nhà mới thế này là con sướng hơn bố mẹ rồi. Bố mẹ không phải lo gì cho con đâu”. Nghe con trai nói người mẹ nghèo cười mà nước mắt rưng rưng. Nhà Đăng cách trường 8 km. Hằng ngày, Đăng đi xe đạp tới trường. Để kịp giờ học, 5 rưỡi sáng Đăng đã phải lên đường. Đó là chưa kể, khi trời mưa to, nước suối dâng cao không thể tới lớp Đăng phải nghỉ học.
Nhà bán trú cho em tại trường THCS Lâm Giang được xây trên diện tích 100m2, đáp ứng chỗ ở cho 56 học sinh. Đây là ngôi nhà bán trú làm điểm đầu tiên được xây dựng ở miền núi phía Bắc do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên chủ trì phát động nằm trong hệ thống chương trình Nhà bán trú cho em, được phát động từ năm 2013-2017.
Ngồi bên, tay mân mê chiếc gối và bộ chăn màn mới tinh, Triệu Thị Thu, học sinh lớp 8C không cầm được nước mắt. Khi được cô giáo hỏi: “Sao con khóc”, Thu càng nức nở nói: “Dạ, con vui quá. Từ bé tới giờ, chưa khi nào con có được bộ chăn màn đẹp thế này. Nhà con nghèo lắm, chỉ toàn nằm chăn cũ, rách thôi”. Lời tâm sự thật thà của cô học trò nhỏ khiến những người xung quanh xúc động. Gia đình Thu thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhà Thu có 4 anh chị em, chị gái đầu phải bỏ học giữa chừng, anh thứ hai học khá nên gia đình nỗ lực đang cho học lớp 12. Thu cũng định mấy lần bỏ học vì điều kiện gia đình quá khó khăn.
Nhưng nhờ sự động viên của thầy cô giáo, hằng ngày Thu đi bộ 10 km đường rừng tới lớp. Giờ có ngôi nhà bán trú mới khang trang, Thu được nhà trường xét duyệt cho vào ở. Niềm vui vỡ òa, khiến Thu cứ bối rối ngồi mãi bên góc giường. “Được ở thế này, con sẽ quyết tâm học giỏi để sau này thi đại học. Giờ con sướng rồi, cuối tuần con sẽ về nhà lên rẫy giúp bố mẹ trồng sắn để lấy tiền đong gạo và nộp học phí”, Thu hồn nhiên nói.
Vui nhưng vẫn tiếp tục lo!
Hiện, trường THCS Lâm Giang cũng có một ngôi nhà bán trú cũ, diện tích 45m2, chia thành 3 phòng. Nhà xây từ năm 2004 nên đã xuống cấp trầm trọng, trần phải chằm vá các tấm ni lông để tránh bị ủ dột khi mùa mưa bão đến. Chiều cao ngôi nhà được 3,2 m, tấm lợp bằng prô xi măng nên mùa hè rất nóng. Dù vậy, nhưng vào lúc cao điểm có tới 56 em cùng chung sống. Giờ có ngôi nhà bán trú mới được xây dựng khang trang nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu ở của các em. Một số học sinh vẫn phải ở lại ngôi nhà cũ này. Nhiều học sinh có nhu cầu ở bán trú nhưng vì điều kiện không đáp ứng hết nên nhà trường phải vận động những học sinh lớp lớn đi về, khi nào mưa bão mới ở lại.
Thầy Trần Ngọc Quang, Hiệu trưởng trường THCS Lâm Giang cho hay: “Các em ở bán trú, mỗi tuần đóng 3 kg gạo và 20 nghìn đồng. Chừng đó chỉ đủ mua bìa đậu phụ và lạc rang. Nhằm cải thiện bữa ăn có thịt (hai bữa/tuần), nhà trường phải vận động thêm sự ủng hộ của một số công ty đóng trên địa bàn xã và quỹ kho thóc bán trú của xã và huyện”. Ngoài ra, được sự ủng hộ của một số đơn vị, các em được cải thiện bữa ăn sáng, mỗi bữa 3.000 đồng. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, điều kiện đi học lại xa xôi vất vả nhiều gia đình đã cho con nghỉ học.
Để khắc phục tình trạng đó, các thầy cô phải thường xuyên đến tận nhà vận động, hỗ trợ sách vở, tiền học cho các em đi học. Để tiếp sức các em đến trường, nhiều thầy cô giáo đã không quản ngại vất vả.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, nhà ở thành phố Yên Bái tình nguyện về trường từ năm 1998. Cô Huyền và chồng thuê tạm một ngôi nhà mái lá ở tạm. Là giáo viên dạy giỏi, nhận được nhiều lời mời hấp dẫn từ các trường có uy tín ở thành phố nhưng cô từ chối, tình nguyện ở lại ngôi trường còn nhiều khó khăn này để truyền ngọn lửa hiếu học và tiếp sức cho các em đến trường.
Khánh thành nhà bán trú dân nuôi Yên Lương
Tỉnh Đoàn Phú Thọ, TT Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam vừa tổ chức khánh thành và bàn giao nhà bán trú dân nuôi cho trường THCS Yên Lương (Thanh Sơn, Phú Thọ). Nhà bán trú được xây dựng trên diện tích 115,2m2 với tổng vốn gần 500 triệu đồng, trong đó có đóng góp của TT Hỗ trợ và Phát triển SVVN, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN, Sở GD&ĐT Phú Thọ, Cty TNHH tư vấn xây dựng và thương mại Thanh Tâm cùng vốn đối ứng của UBND huyện Thanh Sơn. Công trình được xây dạng nhà cấp 4 với 5 phòng ở phục vụ cho 29 con em các dân tộc tại địa phương có điều kiện tốt hơn về nơi ăn, ở, góp phần duy trì sĩ số đến trường.
Trường Phong