Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận: Tìm cách níu chân du khách

TP - Sau 10 tháng triển khai thí điểm, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận đang dần trở thành điểm gặp gỡ quen thuộc của người dân Thủ đô dịp cuối tuần nhờ các hoạt động văn hóa, giải trí đa dạng. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, đặc biệt là những dịch vụ đi kèm có thể giúp du khách “tiêu tiền”.
Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận sẽ được tăng cường dịch vụ phục vụ du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Hà Thành.

Sau thời gian thí điểm (từ 1/9/2016 đến 30/6/2017) UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, giải trí chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân và du khách. Trong đó, có những địa điểm đã trở thành điểm gặp gỡ quen thuộc dịp cuối tuần như: Trình diễn độc tấu, hòa tấu các loại nhạc cụ dân tộc, đàn Bầu, sáo, nhị, tam thập lục… (tại Nhà Bát Giác). Biểu diễn đàn ca tài tử, ca vọng cổ, chèo (đối diện Đền Bà Kiệu). Biểu diễn hát xẩm, ca trù, chầu văn (tại tượng đài Vua Lê). Biểu diễn nghệ thuật đương đại tại trước cửa Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm, khu vực Đồng hồ Thụy Sỹ.

Ngoài ra, còn có những sự kiện văn hoá quốc tế được du khách đánh giá cao như chương trình biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thế giới London Symphony Orchestra, Triển lãm hoa Anh đào tại Hà Nội năm 2017, Ngày Hàn Quốc tại Hà Nội 2017…

Theo thống kê của cơ quan chức năng, lượng du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, tham gia hoạt động tại không gian đi bộ luôn ổn định ở mức 3.000 đến 5.000 người vào ban ngày, buổi tối khoảng 1,5 đến 2 vạn người. Cùng với đó, lượng khách du lịch lưu trú đến quận Hoàn Kiếm và thành phố tiếp tục tăng cao. Số lượng cửa hàng kinh doanh mới và chuyển mục đích kinh doanh phục vụ cho dịch vụ và du lịch trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm tăng gần 300 cửa hàng.

Giá trị văn hoá, lịch sử khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đang được tích hợp phát huy giá trị trong không gian phố đi bộ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, không gian đi bộ đang thiếu những dịch vụ để có thể níu chân du khách, không tạo điều kiện cho du khách được “tiêu tiền”. Báo cáo của quận Hoàn Kiếm cũng thừa nhận, việc bố trí các quầy hàng, kết hợp quầy xe chuyên dụng bán các mặt hàng như đồ lưu niệm, bánh ngọt, đồ ăn nhanh, bánh mì, nước trái cây, cafe chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách. 

Để không gian đi bộ phát huy tối đa hiệu quả và phù hợp điều kiện thực tế, kết nối, bổ trợ lẫn nhau giữa không gian đi bộ Khu phố cổ và không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, quận Hoàn Kiếm đề nghị UBND thành phố cho phép mở rộng không gian đi bộ tại phố Đinh Liệt, một đoạn phố Cầu Gỗ (từ phố Hàng Đào đến phố Đinh Liệt) và một số tuyến phố phía Nam khu phố cổ Hà Nội để gắn kết thương mại, dịch vụ, du lịch (gồm phố Cầu Gỗ, Gia Ngư, Hàng Bạc - đoạn từ phố Hàng Đào đến phố Hàng Bè và ngõ Cầu Gỗ…). Thời gian tổ chức vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần (từ 18h đến 2h sáng hôm sau).    

UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị nghệ thuật của thành phố và các tỉnh, thành phố khác lựa chọn các chương trình, hoạt động văn hóa, biểu diễn, giao lưu, ẩm thực, lễ hội có chất lượng cao hơn nữa… thông tin trên các trang mạng, báo, tạp chí để nhân dân và du khách biết đến tham dự. Nghiên cứu bố trí thêm các quầy hàng kết hợp cùng quầy xe lưu động, gian hàng trưng bày sản phẩm đồ lưu niệm, quán hoa. Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết:

Bên cạnh việc tăng thêm các dịch vụ, quận Hoàn Kiếm phối hợp với các đơn vị để tăng cường, bổ sung đa dạng các mặt hàng lưu niệm, sản phẩm nghề truyền thống trong nước phục vụ nhu cầu của du khách. Cùng với đó, quận sẽ triển khai dự án cải tạo chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm trong năm 2017, nhằm mục đích bảo tồn và thu hút du khách đến tham quan…