Chuyên gia quốc tế hiến kế cho phố đi bộ

Không gian đi bộ Hà Nội tiếp tục thí điểm tới hết tháng 6/2017. Ảnh: Toan Toan.
Không gian đi bộ Hà Nội tiếp tục thí điểm tới hết tháng 6/2017. Ảnh: Toan Toan.
TP - Hà Nội quyết định kéo dài thời gian thí điểm không gian phố đi bộ Hà Nội thêm nửa năm, đồng thời tìm các giải pháp để hoàn thiện, kể cả tham vấn quốc tế. Nhiều chuyên gia quốc tế bước đầu hiến kế cho Hà Nội, tại hội thảo quốc tế chiều 16/12.

Không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm từ tháng 9 vừa qua tạo ra không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân, du khách. Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh chủ trương vừa triển khai vừa bổ sung hoạt động dựa trên nguyên tắc phát huy giá trị không gian cây xanh mặt nước, công trình kiến trúc, giá trị di sản và cải thiện môi trường.

Khó nhưng khả thi

Trong phát biểu khép lại hội thảo, ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nói rằng, Hà Nội quyết nghị nới rộng thời gian thí điểm phố đi bộ tới hết 30/6/2017, đồng thời cầu thị để không gian đi bộ thực sự đem lại hiệu quả. Hội thảo quốc tế “Giải pháp thông minh và sáng tạo cho không gian đi bộ Hà Nội” chiều 16/12 là động thái khởi động cho nỗ lực này.

Tiến sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) nói, ở nhiều nơi trên thế giới, không gian đi bộ đóng vai trò tích cực trong gia tăng giá trị văn hoá, kinh tế, xã hội và môi trường cho đô thị. TS Quang lấy ví dụ thành công của thành phố Hội An, từ thành phố nhỏ tồi tàn thành một thành phố di sản, đang hướng đến thành phố sinh thái.

“Đó là bài học về sự cam kết của lãnh đạo và sự tham gia của cộng đồng, với các giải pháp sáng tạo hài hoà với thiên nhiên”, ông Quang nói. Ông nhắc đến một loạt thành phố thành công tổ chức không gian đi bộ, chẳng hạn Medellin, Colombia biến khu ổ chuột thành không gian du lịch, kết nối với đô thị trung tâm bằng cáp treo.

Thành phố Bogota của nước này cũng thành thiên đường cho người đi bộ, có làn xe dành cho  người đi xe đạp, hình thành hệ thống xe buýt nhanh, cấm ô tô vào cuối tuần trên các tuyến đường chính. Thành phố Seoul là sự kết nối hạ tầng thông minh trong thành phố, hay Jerusalem cổ có các nhà ga cũ được cải tạo thành trung tâm văn hoá, mô hình phố cổ Havana của Cuba.

Giáo sư Hàn Quốc Kim Do-nyun, ĐH Sung Kyun Kwan, Ủy viên Ủy ban Cố vấn Tổng thống về Chính sách Kiến trúc, Ủy viên Ủy ban Tổng thống về Phát triển xanh chia sẻ kinh nghiệm của Seoul để tạo giá trị cho thành phố bằng những phố đi bộ.

“Thành phố tốt đẹp thì có những đường phố tốt”, GS Kim nói. Ông cho rằng thành phố thân thiện với người đi bộ tạo ra tính cạnh tranh cho nó: Sức khỏe cộng đồng tốt hơn, tăng hoạt động kinh tế, giảm khí ô nhiễm phát thải từ ô tô. Seoul tái tạo khu trung tâm thông minh, thân thiện với người đi bộ, tăng các dịch vụ cho người đi bộ, nhấn mạnh giá trị văn hóa lịch sử với khu trung tâm 600 năm trước. “Dự án này giúp lượng khách hàng năm tăng 5 lần và doanh thu bán hàng tăng gấp đôi”, ông nói.

Thành phố Jerusalem theo lời đại diện Đại sứ quán Israel có nhiều điểm tương đồng với Hà Nội như ngõ nhỏ phố nhỏ. Cuộc cải tổ khu trung tâm Jerusalem thành khu đi bộ thực hiện suốt 15 năm qua, với một loạt giải pháp: Khôi phục cảnh quan đô thị chính như chợ rau củ quả, nâng cấp không gian công cộng, cải tạo các công trình và khu vực mặt tiền, liên kết phát triển các khu liền kề trung tâm, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động đường phố. Trong ba năm, khách đến khu trung tâm tăng hơn hai lần, nhiều thương hiệu quốc gia, quốc tế trở lại.

Tầm nhìn nào cho Hà Nội?

Các chuyên gia nhắc đến một trong những giải pháp đầu tiên cho không gian đi bộ Hà Nội là yếu tố thị giác, hiện nay xung quanh khu đi bộ chưa đáp ứng tốt yêu cầu này. Ông Park Kyoung-Chul, trưởng đại diện Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm dùng nghệ thuật cộng đồng cải tạo không gian sống tại làng bích hoạ Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh lấy ví dụ tạo ra sự hấp dẫn, cải thiện nét đặc trưng khu vực qua các dự án nghệ thuật cộng đồng: Công viên Thiên niên kỷ Chicago, Đường Hajii ở Singapore. Hà Nội trước có khu Zone 9, sau là thành phố sáng tạo HaNoi Creative city tận dụng sáng tạo của nghệ sỹ để đem lại khu vui chơi giải trí cho giới trẻ.  Một vài gợi ý của KTS Thanh biến phố sách Đinh Lễ và Nguyễn Xí trở nên sinh động hơn: Chẳng hạn có tạo hình con voi cầm cuốn sách. Vỉa hè quanh các khu phố này nên được lát gạch phát quang có dòng chữ “xin chào”.

Hà Nội ghi nhận du khách đến tăng 40% so với cùng kỳ sau khi có phố đi bộ. Có vẻ như nhiều người mới nhìn thấy tiềm năng du lịch khi đặt câu hỏi về sự phát triển của không gian phố đi bộ, trong khi các chuyên gia nước ngoài đưa ý tưởng và đề xuất ở quy mô rộng hơn-hướng đến thành phố thân thiện với người đi bộ, tạo sự phát triển bền vững. Giáo sư Kim Do-nyun không ngần ngại cho rằng Hà Nội là một trong số thành phố ô nhiễm nhiều nhất châu Á. Khu phố cổ quanh hồ Hoàn Kiếm có sự phát triển khá hỗn độn trong thời gian dài, phương tiện cá nhân quá nhiều.

“Đương nhiên để người ta từ bỏ xe máy, đi xe buýt không dễ, nhưng cần tầm nhìn để khuyến khích người dân đi bộ nhiều hơn”, ông nói. Đồng thời ông nhấn mạnh sự tích hợp giải pháp giao thông trong các quy hoạch đô thị. Ông cũng lạc quan Hà Nội có khá nhiều điểm tương đồng và làm tốt có thể phát triển không kém Singapore. Điều GS Kim Do-nyun quan tâm là làm sao giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trả lại môi trường xanh, đối đầu thói quen lấn vỉa hè của nhiều người dân lâu nay, bắt buộc trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Kiến trúc sư Shinichi Mochizuki, Trung tâm Quốc tế về Thiết kế đô thị CarfreeDay Nhật Bản có nghiên cứu về phố đi bộ Hà Nội, đưa ra chiến dịch xây dựng khu vực Hoàn Kiếm không ô tô. Ông lấy kinh nghiệm của khu phố đi bộ quảng trường Thời đại New York, hay khu đi bộ tại Tokyo. Về nhận thức coi trọng phát triển du lịch từ phố đi bộ, ông Shinichi khuyến cáo rằng dự án phố đi bộ nên tập trung cải thiện chất lượng sống, các ngành nghề địa phương thay vì chỉ nghĩ tới du lịch.

Tại Nhật Bản, việc phụ thuộc quá nhiều vào du lịch là một trong số nguyên nhân dẫn tới suy thoái kinh tế vào những năm 80. Quan điểm của ông là ưu tiên đi bộ, phát triển giao thông công cộng, hạn chế ô tô, vỉa hè phải dành cho người dân và các tiện ích đô thị như quán cà phê, gian hàng. Muốn quy hoạch giao thông cần khảo sát thực trạng về phương tiện giao thông, tham khảo các chiến dịch như tuần lễ lưu thông ở châu Âu hay chương trình ngày không sử dụng ô tô ở châu Á.

Không nên phục vụ đại trà

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Hà Nội nhấn mạnh cần nhận thức đúng về không gian phố đi bộ. “Các chuyên gia nước ngoài chỉ ra nó không chỉ phục vụ cộng đồng, vai trò đa dạng, tích hợp nhiều ngành nghề của không gian đi bộ sẽ tác động đến đô thị sinh thái, và tác động đến sự phát triển kinh tế”, ông nói. KTS Nghiêm cho rằng không nên biến không gian đi bộ phục vụ một cách đại trà, phải tính tới đặc thù từng khu vực, chuyển bớt hoạt động sang các khu vực khác, chẳng hạn sau này có các khu như cầu Long Biên dành cho người đi bộ, khu ven sông. “Tôi nghĩ đến lúc nâng tầm thẩm mỹ, phải đẹp trên, đẹp dưới mới hấp dẫn được, không thể nào cây cối loà xoà, rác rưởi các loại, trên cao mái tôn lủng thủng, thùng nước các kiểu”, ông nói.

MỚI - NÓNG