Kỳ thi năm nay tổ chức tại các địa phương từ ngày 7-8/7. Trong đó, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, từ khâu ra đề thi, thanh tra, giám sát… UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi bao gồm tất cả các phần việc liên quan lựa chọn nhân sự, khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi… Bộ GD&ĐT lưu ý địa phương “không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế thi”.
Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết, đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương gần như hoàn tất. Trong đó, Hội đồng thi xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng, phân công nhiệm vụ chi tiết cho các thành viên, đảm bảo tất cả các nhiệm vụ đều có người chịu trách nhiệm, rõ công việc, tiến độ, yêu cầu về chất lượng cần đạt được. Ngành giáo dục cũng tổ chức tập huấn công tác thi cho cán bộ, giáo viên về nghiệp vụ thi.
Ngoài ra, cán bộ, giáo viên tham gia thi được quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật khi thực hiện nhiệm vụ, thông thạo nghiệp vụ, kiên quyết không để xảy ra sai sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, như: nghiệp vụ tổ chức thi, coi thi, chấm thi, thanh tra thi ... quy định chặt chẽ các quy trình, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong công tác chỉ đạo, tổ chức thi.
Trong hướng dẫn gửi Ban chỉ đạo thi của địa phương, Bộ GD&ĐT yêu cầu quán triệt đầy đủ các quy chế thi và tuyển sinh. Trong đó, có phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra. Bộ GD& ĐT lưu ý việc tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi và quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, giáo viên.
Để tránh sai sót, tiêu cực phát sinh có thể xảy ra, ông Lâm cho rằng: “Một trong vấn đề được địa phương quan tâm chính là lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức thi phải thật sự kỹ càng, có sự sàng lọc. Thậm chí, xin ý kiến thẩm tra những trường hợp tham gia tổ chức ở những khâu quan trọng của kỳ thi”.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, lực lượng cán bộ, giáo viên, thanh tra, giám sát… đều được tập huấn kỹ quy chế, nghiệp vụ, các tình huống và phương án xử lý với phương châm “không để bất ngờ, bị động”.
Địa phương này cũng đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị tại các điểm thi và khu vực in sao đề thi. Hệ thống camera an ninh giám sát được lắp đặt bên trong phòng chứa đề thi, tại điểm thi, phòng chấm thi đảm bảo hoạt động 24/24h và lưu giữ được toàn bộ dữ liệu trong suốt quá trình lưu trữ đề thi.
Không được chủ quan
Sau khi kiểm tra một số điểm thi chuẩn bị cho kỳ thi tại tỉnh Tiền Giang hôm qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng lưu ý địa phương cần lựa chọn nhân sự, phân công rõ người, rõ công việc, rõ trách nhiệm, không chồng chéo.
Ngoài ra, các phương án tổ chức thi phải được chuẩn bị chi tiết, rõ ràng, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành. Đặc biệt cần chú ý khâu thanh tra, giám sát quá trình tổ chức kỳ thi, lấy công tác phòng ngừa là chính với mục tiêu tăng cường kỷ cương để giảm thiểu vi phạm.
“Có những địa phương thời gian qua tổ chức kỳ thi tốt, tuy nhiên tuyệt đối không được chủ quan. Khâu tập huấn quy chế rất quan trọng, không để thí sinh và cán bộ vi phạm quy chế”, ông Thưởng nói.
Trong hướng dẫn gửi Ban chỉ đạo thi của địa phương, Bộ GD&ĐT yêu cầu quán triệt đầy đủ các quy chế thi và tuyển sinh. Trong đó, có phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra. Bộ GD& ĐT lưu ý việc tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi và quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, giáo viên.