Trường hợp Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và gia đình thâu tóm nhiều cổ phần của Công ty Bóng đèn Điện Quang và sau đó biến doanh nghiệp Nhà nước được thành lập năm 1993 với nhiều cơ sở thành một doanh nghiệp tư nhân “gia đình trị” là trường hợp khiến nhiều người suy ngẫm và đặt câu hỏi về việc của công đã biến thành “của ông”.
Thực tế cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cho thấy hiện vẫn còn nhiều kẽ hở giúp quan chức có thể “nhòm ngó” hay “chấm mút” gây thất thoát tài sản nhà nước. Phi vụ thoái vốn Nhà nước tại Điện Quang của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước khi bán hơn 3,9 triệu cổ phiếu vào năm 2014 theo hình thức thỏa thuận cũng đặt ra nhiều câu hỏi.
Tại thời điểm đó, thị trường chứng khoán đã phát triển, lý do gì không bán đấu giá công khai để Nhà nước thu được nhiều hơn, mà lại bán theo thỏa thuận? Nếu đấu giá cổ phiếu, giá trị thương vụ chắc chắn sẽ đạt được ở mức cao nhất. Không thể ngụy biện rào cản nào cho việc thực hiện phương án này.
Vấn đề ở đây là tại sao lại có một thương vụ như vậy? Sự nghi vấn càng tăng khi một trong những người mua là họ hàng với bà Thoa. Một năm sau, số cổ phiếu đó được bán đi và người mua lại chính là ông Hồ Quỳnh Hưng (em trai Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa), Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Để làm rõ sự việc, rất cần có cuộc điều tra xem có nhóm lợi ích.
Thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra sáng 31/7 tại Hà Nội, khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức phiên họp thứ 12: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong?”.
Thông điệp cũng cho thấy việc chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, viên chức nhà nước không thể thực hiện nửa vời. Bên cạnh việc rút kinh nghiệm từ tình trạng “đúng quy trình” phổ biến ở Việt Nam, cần làm rõ góc khuất, đen tối của nhóm lợi ích đang bòn rút tiền thuế của dân trong các trường hợp cổ phần hóa hay thâu tóm doanh nghiệp Nhà nước.
Dư luận sẽ khó có thể chấp nhận sự thất thoát tài sản của Nhà nước, khi tài sản đó chưa bị thu hồi trong bối cảnh gánh nặng nợ công đang tăng, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn... Công luận cần một câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan điều tra về việc bao giờ những “con sâu tham nhũng” phải trả giá và bị thu hồi tài sản?