Không công khai tài sản, cán bộ càng sống khỏe!

TP -GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc cán bộ kê khai tài sản hiện nay còn nặng tính hình thức, không được công khai và việc này tạo cho cán bộ cơ hội càng 'sống lâu, sống khỏe'.

> Có thể xử lý hình sự vụ nộp phạt 155 tỷ tại cầu Nhật Tân
> Phung phí hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 78/2013/NĐ-CP (NĐ 78) về minh bạch tài sản, thu nhập. Trao đổi với Tiền Phong, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH) đánh giá việc kê khai tài sản được coi là bảo bối để phòng chống tham nhũng (PCTN), nhưng kê khai mà chưa công khai chẳng khác gì... bảo bối cất kỹ trong rương!

Không công khai, cán bộ càng sống khỏe

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 78 về minh bạch tài sản, thu nhập (TSTN), như vậy từ năm 2007 đến nay đã có 3 nghị định cùng nhiều thông tư điều chỉnh việc này. Nhưng thực tế vẫn chưa phát hiện được tham nhũng thông qua việc kiểm soát TSTN. Theo ông vì sao?

Mới đây, Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận việc kê khai tài sản “còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp”. Theo tôi, việc kê khai tài sản chưa phát huy được tác dụng do việc này làm còn hình thức.

 Thực tế cho thấy càng không công khai càng khiến các tin đồn về TSTN của cán bộ các cấp có cơ hội “sống lâu, sống khỏe” hơn.  

Ông Nguyễn Minh Thuyết

Trên thực tế, qua hai nhiệm kỳ tại Quốc hội (QH), khi ứng cử đại biểu QH và khi tham gia bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo của Nhà nước, tôi đã nhiều lần thực hiện việc kê khai tài sản và tiếp xúc với các bản kê khai tài sản của người khác. Cả bản kê khai tài sản của tôi lẫn của người khác đều không có ai thẩm định, mà nếu không có cơ quan chuyên trách thẩm định và không công khai cho toàn dân giám sát thì cũng không có cách gì biết được bản kê ấy đúng hay sai.

Trước đây khi có quy định cán bộ kê khai tài sản, chúng ta đã kỳ vọng việc này sẽ góp phần chống tham nhũng hiệu quả. Phải làm sao để đạt như kỳ vọng, theo ông?

Đã có thời gian, chúng ta coi việc kê khai TSTN là “bảo bối”, là đòn chí tử đánh vào nạn tham nhũng. Nhưng kê khai mà chưa công khai chẳng khác gì tuyên chiến với tham nhũng mà chưa đánh, có bảo bối mà cất kỹ trong rương.

Để thực hiện tốt việc này, chúng ta cần đồng thời thẩm định bản kê khai TSTN và công khai để người dân biết và giám sát. Nếu người dân không truy cập được thông tin hoặc tham gia giám sát việc kê khai tài sản, hoặc nếu pháp luật về vấn đề này không được thực thi một cách công bằng và hiệu quả, tác động của việc kê khai tài sản sẽ rất hạn chế.

Khó khăn trong việc công khai tài sản nằm ở đâu, thưa ông?

Tôi nghĩ khó khăn nhất là ở tâm lý, cho rằng công khai TSTN sẽ gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Thực tế cho thấy càng không công khai càng khiến các tin đồn về TSTN của cán bộ các cấp có cơ hội “sống lâu, sống khỏe” hơn. Càng công khai, người dân càng tin tưởng vào sự công minh của chính quyền, tin tưởng vào phẩm chất những người được bầu ra. Nếu một người bằng sức lao động chân chính của họ tạo ra nhiều của cải vật chất thì chúng ta càng tin là họ có đủ năng lực để góp phần phát triển đất nước.

Có ý kiến cho rằng, việc công khai bản kê khai TSTN ảnh hưởng tới quyền tự do cá nhân?

Đối với người bình thường, tài sản có thể là chuyện riêng tư. Nhưng với những người đang đảm nhận hoặc muốn đảm nhận chức vụ trong bộ máy nhà nước thì việc kê khai tài sản là bắt buộc. Mục tiêu chính của kê khai TSTN để loại trừ tài sản bất minh, nên những người có tài sản chính đáng, họ sẽ chẳng ngại ngần gì trong kê khai. Ngược lại, những người có tài sản bất minh sẽ cản trở việc này.

Nếu phát hiện tài sản bất minh thì phải có cơ chế để xử lý, thậm chí phải tịch thu như Công ước của Liên Hiệp Quốc về PCTN quy định “tài sản không giải trình được, bất minh là phải tịch thu”.

Một số quốc gia đã thực hiện công khai bản kê khai tài sản quan chức như Hàn Quốc, Pháp.

Trước những lo ngại về việc thiếu trung thực trong kê khai tài sản, phải chăng nên lập ra cơ quan thẩm định và xác minh độc lập về kê khai tài sản, xây dựng Luật về kiểm soát tài sản?

Về bộ máy thì chúng ta có đủ hết rồi. Cơ quan chỉ đạo thì có Ban Chỉ đạo PCTN từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương. Cơ quan chức năng thì có Thuế vụ, Công an, Kiểm toán, Kiểm sát,... Luật cũng không thiếu: Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Quản lý thuế,…. Lập thêm tổ chức sẽ khiến bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng. Cái chính bây giờ là phải thực thi luật pháp cho nghiêm.

Để thực thi luật pháp, chúng ta cần ứng dụng tin học, sử dụng phần mềm để quản lý, kiểm soát thu nhập và tài sản. Quan trọng nhất là phải công khai.

Thu nhập ngoài lương - kẽ hở dẫn tới tham nhũng

Nói rộng hơn, chúng ta đang có lỗ hổng trong quản lý tài sản cá nhân, chứ không chỉ quản lý tài sản của quan chức?

Đúng là việc kiểm soát thu nhập cá nhân dường như bị tê liệt. Do chúng ta chấp nhận quá nhiều phương tiện thanh toán, người dân có quá nhiều nguồn thu không thể kiểm soát. Các quy định về kê khai tài sản, cấm sử dụng công quỹ làm quà biếu còn thiếu chặt chẽ, không khả thi và thiếu chế tài xử lý vi phạm.

Không quản lý được nguồn thu nhập, Nhà nước bị thất thu thuế. Trong khi ở nhiều quốc gia, trốn thuế bị coi là tội nặng, không khác gì trốn nghĩa vụ quân sự. Thứ hai, do tiền lương và tiền công lao động quá thấp, hầu hết cán bộ sống phụ thuộc vào nguồn thu nhập ngoài, điều này cũng tạo ra sức ì cho hệ thống công vụ, khi không có “bôi trơn” sẽ không hoạt động. Có thu nhập ngoài lương mà không hạn chế phương tiện thanh toán thì đó là kẽ hở, thậm chí là cánh cửa dẫn tới tham nhũng.

Ông đánh giá thế nào về việc Nghị định 78 đã bổ sung về nghĩa vụ công khai bản kê khai tài sản tại đơn vị nơi công tác của người kê khai và lần đầu tiên xác lập nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm?

Đây là hai bổ sung đáng kể sau 7 năm triển khai Luật PCTN.

Quy định mới của Nghị định 78, ngoài việc kê khai, người kê khai còn phải công khai bản kê tại cơ quan, đơn vị, nơi thường xuyên làm việc. Đó là một bước tiến. Nhưng nói thật, chỉ công khai ở cơ quan, đơn vị công tác thì chưa đảm bảo đủ “liều” PCTN đâu. Vì ở cơ quan, đơn vị, mấy ai dám động đến lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao? Biện pháp công khai có hiệu quả nhất là công khai cho toàn dân, tối thiểu là trên công báo nhà nước.

Với những quy định mới của Nghị định 78, hẳn người dân có sự chờ đợi và hy vọng nó sẽ tạo ra một số chuyển biến nhất định trong phòng, chống quốc nạn tham nhũng. Đây cũng là cơ hội để tiếp lửa cho cuộc chiến chống giặc “nội xâm”. Tuy nhiên, chúng ta không nên để những hy vọng của người dân bị dập tắt.

Cảm ơn ông.

Theo Nghị định 78/2013, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định công khai bản kê khai TSTN của cán bộ, công chức, viên chức bằng một trong hai hình thức sau: Niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị, hoặc công bố tại cuộc họp vào thời điểm sau tổng kết hằng năm.

Vị trí niêm yết phải đảm bảo an toàn, đủ điều kiện để mọi người trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể xem các bản kê khai; thời gian niêm yết tối thiểu là liên tục 30 ngày. Việc công khai bản kê khai TSTN phải hoàn thành trước ngày 31/3 năm sau.

 

N.C.KHANH
thực hiện

Theo Báo giấy