Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền:

Không có người tiếp nối, di sản sẽ mất vĩnh viễn

TP - “Nếu thế hệ trẻ không học nghề tiếp nối, toàn bộ hệ giá trị của di sản phi vật thể sẽ mất vĩnh viễn theo sự ra đi của lớp thế hệ nghệ nhân già. Đây chính là mối lo lắng lớn nhất của sự nghiệp bảo tồn,” nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền ghi hình danh cầm Văn Giỏi biểu diễn tại quán nghệ sĩ

Ông cho biết, thực tế hiện nay, nghệ nhân bậc thầy chưa được nuôi dưỡng, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội, thử hỏi số ít những nghệ nhân trẻ đang tâm huyết, tự nguyện theo học cổ nhạc cha ông liệu sẽ tồn tại như thế nào? Tình yêu của họ kéo dài được bao lâu? Đó chính là hai mặt của vấn đề mà chúng ta cần quan tâm.

“Bao giờ Nam Bộ hết cỏ mới hết người đàn hay”

Nhiều di sản văn hoá Việt Nam khi được UNESCO vinh danh đều đang ở trong ngưỡng gặp thách thức và nguy cơ mai một. Còn với Đờn ca tài tử Nam Bộ, di sản văn hóa phi vật thể thứ 8 của Việt Nam vừa được UNESCO công nhận thì sao, thưa ông?

Có thể nói, Đờn ca tài tử là trường hợp ngoại lệ. Sau hơn 100 năm hình thành và phát triển, loại hình âm nhạc này đã bén rễ sâu rộng không chỉ trong đời sống văn hóa cư dân Nam Bộ, mà còn lan tỏa ra khắp các vùng miền Trung Bộ, Bắc Bộ ngay từ nửa đầu thế kỷ 20. Có lẽ trong nền cổ nhạc Việt Nam, cùng với nghệ thuật Tuồng, Đờn ca tài tử là thể loại hiếm hoi có sức lan tỏa rộng khắp trên bình diện cả nước. Ở Nam Bộ, từ thành thị đến nông thôn, từ môi trường bình dân tới chuyên nghiệp, đâu đâu cũng hình thành những nhóm đờn ca với nhiều cấp độ nghệ thuật khác nhau.

Hơn 100 năm qua, thời nào cũng nổi danh các thế hệ danh ca, danh cầm với tài năng xuất chúng, đại diện cho giới nghề. Tới mức danh cầm đất Bắc - nghệ nhân Kim Sinh từng phải thốt lên: “Bao giờ Nam Bộ hết cỏ mới hết người đàn hay!”. Với sức sống trường tồn đó, nguy cơ mai một với di sản này là điều không thể xảy ra. Thách thức giờ đây có lẽ là sự nhìn nhận đúng người, đúng việc của những nhà quản lý.

Tuy Đờn ca tài tử Nam Bộ có sức sống rộng rãi, nhưng một số người vẫn có thể nhầm di sản văn hoá này với cải lương, vì sao?

Trước hết cần nhận định rõ, cải lương là một bước phát triển quan trọng của nghệ thuật Đờn ca tài tử thông qua hình thức trung gian – Ca ra bộ. Điều đó có nghĩa sân khấu Cải lương sử dụng bài bản của Đờn ca tài tử làm cơ sở để hình thành. Từ bao đời nay, Đờn ca tài tử được coi như cái nôi cung cấp người đờn, người ca cho môi trường sân khấu cải lương.

Trong từng giai đoạn lịch sử, cứ có nhân tài nào xuất hiện trong dân gian thì họ thường được các bầu gánh, chủ hãng băng đĩa… mời ra hành nghề chuyên nghiệp. Điều này lý giải tại sao trong lịch sử, các tài năng giỏi nghề thường thành danh ở môi trường sân khấu cải lương. Sự khác nhau chỉ ở chỗ, nhạc Đờn ca tài tử trên sân khấu cải lương được dùng phục vụ cho các tình huống kịch, nên chỉ sử dụng từng phần chứ không phải toàn bộ bài bản của Đờn ca tài tử với sự thay đổi nhịp độ thích hợp.

Bảo vệ các thế hệ nghệ nhân

Đối với những di sản văn hoá phi vật thể (như Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ, Ca trù, Đờn ca tài tử Nam Bộ...), để giữ gìn và phát huy giá trị của nó có gì khác so với những di sản vật thể khác ?

“Cổ nhạc Việt Nam không lưu truyền thông qua bản nhạc với hệ ký tự nhạc thanh chi tiết, chính xác về không gian, thời gian kiểu như nhạc cổ điển Tây phương. Ở đây, mọi giá trị âm nhạc đều chỉ hiện hữu đến người nghe khi nghệ nhân ngẫu hứng ứng tác bài bản.”

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

Về bản chất, cổ nhạc Việt Nam không lưu truyền thông qua bản nhạc với hệ ký tự nhạc thanh chi tiết, chính xác về không gian, thời gian kiểu như nhạc cổ điển Tây phương. Ở đây, mọi giá trị âm nhạc đều chỉ hiện hữu đến người nghe khi nghệ nhân ngẫu hứng ứng tác bài bản. Điều đó có nghĩa hệ giá trị cổ truyền luôn gắn bó hữu cơ với sự sống của các thế hệ nghệ nhân cổ nhạc. Ý thức được điều đó, UNESCO đã đưa ra một định danh mới là Báu vật nhân văn sống nhằm chỉ vai trò của các nghệ nhân. Như thế, công cuộc bảo tồn, lưu truyền di sản đồng nghĩa với việc bảo vệ các thế hệ nghệ nhân, bao gồm thế hệ lão thành và thế hệ trẻ tiếp nối.

 
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

Có ý kiến cho rằng, một số di sản sau khi được UNESCO vinh danh lại được bảo tồn theo dạng phong trào?

Điều này đã xảy ra từ nửa cuối thế kỷ 20, khi chúng ta tiến hành cải biên, cải tiến nhiều giá trị văn hoá cổ truyền. Kết quả là nhạc dân tộc được cải biên, hệ nhạc cụ dân tộc cũng được cải tiến theo hướng Tây phương hóa, dẫn đến sự ra đi vĩnh viễn của nhiều giá trị nghệ thuật cổ truyền. Đơn cử cho tới thời đầu thế kỷ 20, nghệ thuật chèo từng sở hữu tới trên 50 vở chèo cổ lớn nhỏ khác nhau. Vậy mà giờ đây chúng ta chỉ còn khoảng 5 vở chèo cổ với sức sống lay lắt... Có không ít những ví dụ tương tự, và sự mất mát là không thể bù đắp.

Hiện nay trong chương trình hành động bảo tồn các di sản phi vật thể đã được công nhận, mặc dù UNESCO đã có tiêu chí rõ ràng, xong nhiều nơi người ta vẫn cứ làm theo lối cũ với tư tưởng cải biên, cải tiến, làm mới di sản để những mong phát triển các giá trị cho phù hợp với “hơi thở thời đại”. Thậm chí có nơi còn đánh tráo khái niệm di sản để nhân vùng đối tượng bảo tồn cho to hơn, đông hơn… Có nơi thì không chú ý đến việc bảo vệ, nuôi dưỡng những nghệ nhân, bỏ lỏng di sản cho sự “sống còn” lay lắt trong đời sống đương đại. Đây là điều mà báo chí đã phản ánh liên tục trong nhiều năm qua, và cần phải tiếp tục đề cập nữa mới mong thay đổi căn bản được.

Việc khai thác phục vụ du lịch, nếu không được làm một cách phù hợp sẽ có nguy cơ làm mai một di sản âm nhạc truyền thống?

Đúng vậy. Điều đáng lưu ý là cần phân định rõ ràng công tác bảo tồn với hoạt động du lịch. Bảo tồn cần giữ đúng theo nguyên tắc giữ lại, không để mất đi toàn bộ hệ giá trị. Trong khi để phục vụ du lịch, người ta sẵn lòng làm biến đổi từ từng phần đến toàn bộ để chiều theo thị hiếu số đông du khách. Nếu lẫn lộn hai nhiệm vụ này, di sản sẽ dần bị bóp méo theo thời gian dưới góc nhìn của các thế hệ tiếp nối.

Xin cảm ơn ông.