Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh:

Không có hồ thủy điện, đỉnh lũ về sẽ gây ngập lụt toàn vùng hạ lưu

TPO - Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, thông tin nói hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt chỉ là “cách viết thông tin trên truyền thông”.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 2/11. Ảnh Như Ý

Tất cả hồ đập thủy điện đều đảm bảo an toàn

Theo Bộ trưởng Công Thương, cả nước hiện nay có 429 công trình thủy điện được đưa vào vận hành khai thác với dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% dung tích hồ chứa nước trên cả nước. Hiện Việt Nam có đầy đủ quy định quản lý nhà nước trong đảm bảo công tác an toàn hồ đập thủy điện cũng như vận hành công trình hồ thủy điện cả liên hồ, đơn hồ. Trên thực tế, các Bộ, ngành đã có chỉ đạo, hướng dẫn cho các địa phương trong quản lý nhà nước lĩnh vực này.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện 401/401 đập đã được thực hiện theo đúng quy định về báo cáo hiện trạng an toàn đập; 100% đập thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập; có 376/401 đập được chủ đập thực hiện theo đúng quy định về quy trình vận hành hồ chứa.

Trong mùa bão lũ 2020, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức các đoàn đi kiểm tra an toàn hồ, đập thủy điện. Liên quan bão lũ thiên tai năm 2020, ông Trần Tuấn Anh cho biết, vừa rồi, Thủ tướng trực tiếp tổ chức các đoàn đi kiểm tra, làm việc với các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, một số tỉnh Bắc Trung Bộ. Sau đó, Thủ tướng cùng đoàn công tác các bộ, ngành kiểm tra thực trạng chống bão, lũ, ứng phó thiên tai tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và một số tỉnh Trung Trung Bộ.

“Qua thực tế, tất cả hồ đập thủy điện tại khu vực đều đảm bảo an toàn về an toàn đập cũng như vận hành của hồ”, Bộ trưởng Công Thương khẳng định. Cũng theo Bộ trưởng, tất cả hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định pháp luật.

Trước thông tin nói hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt cho địa phương, theo ông Trần Tuấn Anh, “đấy là cách viết thông tin trên truyền thông”.

Thực tế qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn, Bộ trưởng dẫn dụ, tại tỉnh Quảng Nam, hồ thủy điện Đắk Mi 4 là hồ có dung tích lớn, có những thời điểm đỉnh lũ, nước về hồ lên tới 17.000 m3/giây. “Chính nhờ dung tích Đắc Mi 4 có khả năng điều tiết, chứa nước đã giúp cắt lũ tới 55%. Nếu không đỉnh lũ về hôm 28/10 là ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu.

Bộ trưởng cho rằng, tính dị thường và cực đoan của thời tiết được Chính phủ đề cập tới rất nhiều. Theo con số thống kế của Bộ NN&PTNT, TN&MT, chưa bao giờ mức độ mưa, lượng mưa lại lớn như vậy. Báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư, báo cáo tại vùng miền Trung có khu vực có lúc lưu lượng mưa đạt đến đỉnh 2.000, thậm chí 3.000 m.

Với thời gian lưu bão lâu và liều lượng mưa lớn, liên tục và cơn bão liên tục trong khu vực thì hầu như tất cả khu vực miền Trung, khu vực địa chất yếu đều dẫn đến hiện tượng sụt lở, gây tai nạn rất thương tâm, thiệt hại lớn về người và của cho địa phương.

Tính dị thường, cực đoan của thời tiết

Nói về nguyên nhân, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần phải đánh giá kỹ hơn, kể cả với công trình thủy điện, giao thông, công trình của quân đội…còn rất nhiều vấn đề tác động, ảnh hưởng tới môi trường. “Tuy nhiên, phải khẳng định, tính dị thường, cực đoan của thời tiết là một nguyên nhân rất lớn ảnh hưởng đến môi trường tại địa phương và mức độ, hậu quả ghê gớm của thiên tai, lũ lụt. Chính phủ đã có chỉ đạo và tiếp tục nghiên cứu báo cáo đánh giá kỹ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Giải thích về vấn đề trượt lở trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ NT&MT Trần Hồng Hà cho biết, nguyên nhân kích hoạt chính là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục gần như cả tháng qua ở khu vực Miền Trung. Kết quả làm đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở.

Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài.

Ngoài nguyên nhân kích hoạt chính kể trên, theo Bộ trưởng Hà, khu vực miền núi các tỉnh Trung Bộ còn có nhiều yếu tố bất lợi khác về địa hình (đồi núi cao, phân cắt mạnh và sâu, tạo ra các sườn có độ dốc lớn), địa chất (nhiều loại đất đá cổ, bị dập vỡ nứt nẻ mạnh, tạo lớp vỏ phong hóa dầy), thảm phủ thực vật bị suy giảm nhiều. Cùng với đó là các hoạt động nhân sinh, như xây dựng đường xá, thủy điện, cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh khác…cũng đóng vai trò lớn trong việc gây trượt lở, hoặc làm trầm trọng thêm các thiệt hại.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với những dạng tai biến thiên tai cực đoan như hiện nay, cần các nhà khoa học đánh giá kỹ hơn đối với địa chất mỗi khu vực khi phát triển các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, để có thể đối phó và đưa ra những giải pháp phòng ngừa.