Khôi phục tên thật cho “liệt sĩ” còn sống

TP - Tiền Phong số 95 (ngày 5/4/2014) đăng bài “Lại chuyện trở về sau 36 năm là liệt sĩ”, phản ánh việc ông Nguyễn Đình Dầu (xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) được công nhận liệt sĩ năm 1994, nay bỗng trở về. 
(Từ phải sang) Trưởng công an xã Nguyễn Văn Luỹ (thứ 2) trao đổi công việc với ông Nguyễn Đình Dầu (thứ 3) và gia đình. Ảnh: K.N

Khi “liệt sĩ” Nguyễn Đình Dầu trở về địa phương, Sở Lao động-Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Hưng Yên có văn bản yêu cầu Phòng LĐ-TB&XH thành phố Hưng Yên phối hợp cùng UBND xã Phương Chiểu và gia đình ông Nguyễn Đình Dầu (tức Nguyễn Văn Đương) để xác minh về sự việc này. 


Sau đó, Phòng LĐ-TB&XH thành phố Hưng Yên đã có văn bản (số 20, ngày 25/3/2014) trả lời: Liệt sĩ Nguyễn Đình Dầu hy sinh năm 1979, được tặng Bằng Tổ quốc ghi công số 208 vào ngày 4/5/1994. Sau khi ông Dầu trở về, gia đình đã có đơn trình báo với chính quyền địa phương và xin ngừng hưởng chế độ liệt sĩ.

Qua tìm hiểu từ hồ sơ lưu trữ, được biết tháng 3/1993, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Hưng (nay là Hưng Yên) đã lập Giấy báo tử đối với liệt sĩ Nguyễn Đình Dầu theo chế độ “mất tin” năm 1979 tại chiến trường Campuchia, đơn vị thuộc hòm thư 8A3955. Tháng 8/1994, Sở LĐ-TB & XH tỉnh Hải Hưng ra quyết định thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định cho bố, mẹ liệt sĩ Nguyễn Đình Dầu.

Tròn 20 năm kể từ khi được công nhận liệt sĩ, ông Nguyễn Đình Dầu đột ngột trở về với gia đình. Căn cứ theo “Đơn trình báo liệt sĩ còn sống trở về địa phương” của gia đình ông Dầu, có thể hiểu quãng thời gian “mất tin” quân nhân Dầu đã trốn trong rừng để tránh sự truy quét của kẻ thù, sau đó mất trí nhớ và đến ngụ cư tại xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đến nay. Sống tại An Giang, do mất trí nhớ lẫn giấy tờ tùy thân nên quân nhân Dầu được mẹ nuôi là bà Bảy Quang đặt tên mới là Nguyễn Văn Sál, rồi giúp anh lập gia đình.

Sau khi “liệt sĩ” trở về một thời gian, Công an xã Phương Chiểu đã đề nghị cấp có trách nhiệm thuộc tỉnh Hưng Yên xem xét việc cải chính tên (từ Nguyễn Văn Sál thành Nguyễn Đình Dầu- PV) theo quy định. 

Ông Nguyễn Văn Luỹ, Trưởng Công an xã Phương Chiểu cho biết: “Hiện nay, các cơ quan có trách nhiệm của địa phương đang tiến hành các thủ tục để nhập hộ khẩu cho liệt sĩ trở về với tên thật Nguyễn Đình Dầu. Đây là việc làm cần thiết không những chỉ cho ông, mà cho cả vợ con ông sau này”.

Trong khi chờ các cơ quan có trách nhiệm xác minh sự việc và tiến hành các thủ tục cần thiết, ông Nguyễn Đình Dầu đã đưa vợ con từ An Giang về quê nhà sinh sống.