Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và lãnh đạo các vụ của Quốc hội, Ban Bí thư T.Ư Đoàn dành thời gian lắng nghe các ý kiến đại diện cho thanh niên khối doanh nhân trẻ, nhà khoa học, trí thức trẻ, học sinh sinh viên, thanh niên ở nước ngoài chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội.
Lắng nghe tiếng nói người trẻ
Anh Phan Văn Học (SN 1984), Tổng giám đốc Cty Cổ phần SOHACO Việt Nam, người khởi nghiệp kinh doanh khi mới 25 tuổi nói: “Doanh nhân là những chiến binh thời bình. Bên cạnh nỗ lực của bản thân, doanh nhân trẻ mong Chủ tịch Quốc hội lưu tâm tới cơ chế chính sách cho người trẻ khởi nghiệp”.
Đại biểu Phan Thanh Sang, một chủ trang trại hoa lan ở Lâm Đồng đề xuất mô hình học tập cộng đồng, để từ các lớp học này, những ông chủ trẻ lan tỏa kiến thức và khát vọng cho nhiều người trẻ khác trong lao động, sản xuất.
Nguyễn Trung Kiên (SN 1986), nghiên cứu sinh, hiện là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc đề nghị tạo cơ chế mở để người trẻ có cơ hội nghiên cứu, cống hiến tri thức, thu hút trí thức trẻ không chỉ từ Hàn Quốc mà ở các quốc gia khác trở về xây dựng đất nước hiệu quả hơn.
Đỗ Thị Hồng Tươi, giảng viên ĐH Y dược TPHCM, GS trẻ nhất trong ngành dược của Việt Nam, kiến nghị Quốc hội tạo môi trường thuận lợi về vật chất, tinh thần để người trẻ dấn thân vào lĩnh vực khó, việc mới; thu hút trí thức trẻ về nước phát triển, đặc biệt ở các tỉnh còn nghèo để rút ngắn khoảng cách giữa các thành phố, tỉnh thành.
Trong lĩnh vực y tế, PGS Tươi cho rằng Nhà nước cần đặc biệt quan tâm 2 vấn đề: ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm đang tàn phá sức khỏe người Việt. Bên cạnh đó, cần đầu tư vào lĩnh vực y dược kết hợp cập nhật phương pháp chữa trị tiên tiến. “Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú. Cần sản xuất thuốc từ nguồn dược liệu trong nước nhằm giảm chi phí y tế cho người dân”, chị Tươi kiến nghị.
Với vai trò đại diện cho thanh niên công nhân, đại biểu Đinh Xuân Tân, quản lý xưởng dịch vụ sửa chữa xe của hãng Mitsubishi, đề xuất hai vấn đề: Một là, đảm bảo môi trường sống cho công nhân với cơ chế hỗ trợ về nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo sự ổn định cho công nhân, từ đó nâng cao sức sáng tạo. Thứ hai, cần có những cơ chế để các doanh nghiệp và các nhà trường gặp nhau, những gói đầu tư từ doanh nghiệp vào nhà trường, phát huy sáng kiến của sinh viên để ứng dụng vào sản xuất. Với những doanh nghiệp đầu tư như vậy cần hỗ trợ lãi suất, giảm thuế.
Từ chính sách tới cuộc sống còn rất xa
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng với 6 ý kiến phát biểu, mỗi tấm gương sáng tiếp tục lan tỏa ra toàn xã hội, tiêu biểu cho hàng triệu thanh niên trên khắp mọi miền Tổ quốc. Với tinh thần 5 chữ thiêng liêng của Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ IV năm 2016 “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, tôi đề nghị thanh niên thể hiện tình yêu Tổ quốc bằng những việc làm có ích hằng ngày, hằng giờ; sống gương mẫu, trách nhiệm với cộng đồng; sống có khát vọng, hoài bão, khởi nghiệp mạnh mẽ để xây dựng đất nước ngày càng hùng mạnh”.
Chủ tịch Quốc hội thừa nhận, hiện nay giữa luật với cuộc sống còn nhiều khoảng cách, rất nhiều chính sách ban hành nhưng không đến được với người dân. “Nhiều doanh nghiệp chỉ mong muốn được tiếp cận với cơ chế chính sách đã có cho mình khởi nghiệp cũng rất khó khăn. Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật để doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi. Bây giờ không mong có thêm chính sách mới mà các luật, chính sách đã ban hành cần được thực thi trên thực tế”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Về vấn đề khởi nghiệp, Chủ tịch nói: Để việc thực hiện chính sách đối với bạn trẻ khởi nghiệp thuận lợi hơn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị T.Ư Đoàn báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách cho thanh niên, đặc biệt là khởi nghiệp.
Chủ tịch đánh giá cao cách thực hiện của T.Ư Đoàn trong việc tổ chức Đại hội 5 năm 2 lần, và đề xuất nên tổ chức 2 năm/lần. Bày tỏ sự khâm phục đối với những người trẻ khởi nghiệp thành công, những nỗ lực không mệt mỏi của nhiều bạn trẻ, Chủ tịch chia sẻ: “Gần đây xã hội lên án việc “đôn” con ông, cháu cha lên nắm giữ các vị trí lãnh đạo, gây hậu quả, thất thoát lớn cho Nhà nước. Nhưng thanh niên trực tiếp sản xuất, làm ra sản phẩm cho xã hội thì cuộc sống còn khó khăn. Đó là điều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội phải suy nghĩ và tìm cách khắc phục”.
Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cám ơn chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, bày tỏ mong muốn Chủ tịch tiếp tục tạo điều kiện để các đại biểu thanh niên tiên tiến phấn đấu, lan tỏa sức sáng tạo.
Tại buổi tiếp kiến, đối thoại, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về nội dung và thành phần đại biểu tham gia Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ IV. Dịp này, Ban Bí thư T.Ư Đoàn cũng đề nghị Chủ tịch Quốc hội quan tâm để thế hệ trẻ được tham gia các diễn đàn của Quốc hội, nhất là việc góp ý hoàn thiện chính sách pháp luật; quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên.