Khởi động hàng loạt dự án lớn ở Phú Quốc

TP - Việc Tổng Cty Điện lực miền Nam hoàn thành, đưa vào sử dụng hệ thống cáp ngầm 110KV Hà Tiên - Phú Quốc được coi là sự kiện đặc biệt, là điều kiện cần để hòn đảo ngọc trên vùng biển Tây Nam cất cánh.
Khu vực biển Bãi Trường của Phú Quốc - nơi hàng chục nhà đầu tư đã sẵn sàng

Sau khi Phú Quốc có điện lưới quốc gia, hàng loạt tập đoàn, Cty lập tức khởi động các dự án du lịch trên đảo với số vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.

Ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Tập đoàn BIM, cho biết, đã chính thức khởi công công trình khách sạn 5 sao có tổng vốn 1.500 tỷ đồng, 25 tầng, 500 phòng tại khu vực Bãi Trường trong ngày đầu năm Giáp Ngọ. Khách sạn sẽ được đưa vào sử dụng giữa năm 2016.

Tuy nhiên, đây chỉ là một dự án thành phần trong khu du lịch sinh thái rộng trên 200 ha của BIM Phú Quốc. Cũng tại khu vực Bãi Trường, sáng 5/2, Cty CP Đầu tư - Xây dựng - Dịch vụ Quý Hải khởi công xây dựng Khách sạn 4 sao, Trung tâm Hội nghị quốc tế 500 chỗ và Khu nghỉ dưỡng cao cấp Mercure.

Khách sạn 4 sao được thiết kế 160 phòng, trong đó có 10 phòng được thiết kế đặc biệt dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành sau 18 tháng thi công. Công trình nằm trong giai đoạn 2 của Khu du lịch sinh thái Quý Hải tại khu phức hợp Bãi Trường, Phú Quốc.

Trước đó, Cty này đầu tư 530 tỷ đồng xây dựng 106 bulgalow (nhà một tầng nhỏ, hiên rộng), hồ bơi, nhà hàng… đạt tiêu chuẩn 4 sao. Các Cty như Sasco Phú Quốc, Đại Cát Hoàng Long, Đông Nam Hải… cũng đã khởi động dự án du lịch của mình với số vốn hàng ngàn tỷ đồng.

Phát triển cơ sở hạ tầng

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất trong 12 huyện đảo trên cả nước, diện tích tương đương quốc đảo Singapore. Dân số cũng lớn nhất với 103 ngàn người và trong tương lai sẽ là 500 ngàn người. Kinh tế tăng trưởng liên tục, thu nhập bình quân đầu người của Phú Quốc (hơn 2.500 USD) cao hơn bình quân đầu người của cả nước (2.000 USD).

Tiềm năng nơi đây còn rất lớn, có thể làm giàu hơn nữa cho Phú Quốc, Kiên Giang, ĐBSCL và đóng góp cho cả nước. Phú Quốc hôm nay đã hội tụ những điều kiện cơ bản để phát triển nhanh và bền vững.

Trước hết là cơ sở hạ tầng, sân bay quốc tế Phú Quốc đủ điều kiện tiếp nhận các loại máy bay hiện đại nhất trên thế giới. Phú Quốc đã có trục đường bộ xuyên đảo và các đường xương sống cơ bản hoàn thành; có cảng biển quốc tế, cảng biển nội địa và giờ đây là điện lưới quốc gia.

Đánh giá qua 9 năm thực hiện “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ , ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: “GDP của Phú Quốc tăng bình quân hằng năm hơn 22%; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt trên 70 triệu đồng/năm, gấp 8,1 lần năm 2004; đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo từ 14% năm 2004 giảm còn dưới 2% năm 2013. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu đã và đang được đầu tư, hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng”.

Đánh giá về thành công của dự án kéo điện lưới quốc gia ra đảo, ông Thi nói: Đây có thể coi là sự kiện quan trọng đánh dấu sự phát triển của Phú Quốc, để hòn đảo này trở thành đặc khu kinh tế - hành chính vào năm 2020, với vai trò là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng.