Đòn bẩy cho Phú Quốc

 Tàu của Biên phòng Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho việc kéo cáp ngầm trên biển Phú Quốc
Tàu của Biên phòng Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho việc kéo cáp ngầm trên biển Phú Quốc
TP - Sự kiện khởi công dự án cáp ngầm 110kV kéo điện từ đất liền ra đảo Phú Quốc vào trung tuần tháng 11/2013 vừa qua như một luồng gió mới thổi sinh khí vào hòn đảo lớn nhất Việt Nam nằm trên biển Tây.

Việc được hoà điện lưới quốc gia không chỉ là khát khao bao đời của người dân trên đảo mà nó còn là cú hích quyết định cho Phú Quốc cất cánh.

Mong ước đã thành hiện thực

Ông Hoàng Đồng, ngụ tại xã Bãi Thơm mời tôi đến nhà chơi nhưng lại kéo ra bãi biển trước cửa nhà ngồi lai rai. Ông giải thích: “Nhà không có điện nóng nực lắm”. Rồi ông thở dài than khổ vì không có điện. Một cây đá lạnh ở đất liền chỉ hơn 20 ngàn, trong khi ở xã Bãi Thơm là 60 ngàn đồng.

Uống bia sợ nhất là tốn tiền đá. Đôi khi bắt được con cá ngon muốn ướp giữ lại để ăn, nhưng để vài ngày thì tiền đá đã vượt qua tiền cá. Ông Đồng cho biết đã từng mở quán nhậu nhưng sau đó phải dẹp quán vì không có… điện.

Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm - ông Nguyễn Văn Nhưỡng cho biết: Xã chúng tôi là xã trắng về điện. Do điện của nhà nước không kéo về nên tư nhân tự đầu tư máy phát điện rồi bán lại cho dân. Giá điện có lẽ cao nhất Việt Nam với kiểu tính bóng lấy tiền.

Mỗi bóng đèn chữ U (Compact) thu 150 ngàn đồng mỗi tháng, tương đương 25.000 đồng/kWh. TV cũng tính giá bằng một bóng đèn chữ U. Điện giá cao nhưng số lượng nhà dân có điện cũng chỉ chiếm khoảng 70%.

UBND xã có máy phát điện riêng, dù đã rất tiết kiệm mỗi năm cũng tốn khoảng 150 triệu tiền dầu. Tình hình điện tại xã Gềnh Dầu, khu vực Bắc đảo, cũng tương tự.

Đòn bẩy cho Phú Quốc ảnh 1

Tàu kéo cáp ngầm của Cty Prysmian Powerlink (Ý) đang vận hành trên biển Phú Quốc. ảnh: Đại Dương

Tuy nhiên ở những vùng “điện nước đầy đủ” như thị trấn Dương Đông người dân và doanh nghiệp cũng khổ sở vì điện. Theo tính toán, giá thành sản xuất điện từ các tổ máy diesel của Điện lực Phú Quốc là 7.992 đồng/kWh, nhưng giá bán bình quân cho phép chỉ 5.060 đồng/kWh.

Với giá bán chênh lệch âm gần 3.000 đồng/kWh này, ngành điện đã phải bù lỗ khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm. Nhà nước bù lỗ nhưng người dân trên đảo Phú Quốc vẫn phải sử dụng giá điện cao ngất trời, cao hơn ba lần so với đất liền.

Ông Lê Thanh Hà - Giám đốc Chi nhánh Cty SASCO Phú Quốc nói: “Riêng khu vực khách sạn, mỗi năm chúng tôi phải trả trên 10 tỷ đồng tiền điện. Ngoài ra Cty còn phải chi hàng tỷ đồng để mua máy phát điện dự phòng.

Giá điện đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh. Điện giá cao lại còn phập phù. Do bị cúp điện bất thường nên các thiết bị máy móc điện tử cũng hay bị hư.

Hi vọng khi hoà điện lưới quốc gia, giá cả và chất lượng phục vụ của khách sạn sẽ được tốt hơn”. Giờ đây mong ước kết nối nguồn điện từ đất liền của người dân và của doanh nghiệp trên đảo Phú Quốc đã thành hiện thực.

Cú hích đưa Phú Quốc thành đặc khu

Quyết định 178/2004 của Thủ tướng Chính phủ về: “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” đến nay đã được 10 năm. Với khoảng thời gian ấy, hòn đảo lớn và trù phú nhất nằm trên vùng biển tây nam đã đổi thay mạnh mẽ.

Đòn bẩy cho Phú Quốc ảnh 2

Các chuyên gia nước ngoài làm việc trên tàu. ảnh: Đại Dương

 Hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến Phú Quốc. Hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Chính phủ đang quyết tâm đưa Phú Quốc sớm trở thành đặc khu kinh tế quan trọng, thành khu du lịch chất lượng cao của khu vực.

Hiện hệ thống các trục giao thông chính, đường vòng quanh đảo đã được đầu tư và đang gấp rút hoàn thiện. Sân bay Quốc tế Phú Quốc và cảng biển Quốc tế An Thới đã hoàn thành.

Ông Bùi Ngọc Sương- Phó ban chỉ đạo Tây Nam Bộ khi chưa xây dựng xong sân bay đã nói: “Các nhà đầu tư chờ sân bay”. Tuy nhiên khi sân bay khánh thành tình hình đầu tư vào đảo Phú Quốc vẫn yên ắng. Chính nguồn điện mới làm các nhà đầu tư quan tâm.

Sau khi Tổng Cty Điện lực miền Nam khởi công dự án điện cáp ngầm, hàng loạt nhà đầu tư đã tiến hành khởi động dự án trên đảo Phú Quốc, trong đó có những tên tuổi như: VINGROUP, Đại Cát Hoàng Long, Đông Nam Hải…

UBND tỉnh Kiên Giang cho biết đang xem xét giao đất cho các nhà đầu tư từ Singapore vào Phú Quốc. Giá bất động sản cũng đang nóng lên sau sự kiện điện cáp ngầm ra đảo.

Dự án kéo điện cáp ngầm 110kV ra đảo Phú Quốc có chiều dài trên 56km, vốn hơn 2.330 tỷ đồng. Đây là dự án điện cáp ngầm lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, qui mô lớn nhất Đông Nam Á. Công trình cáp ngầm do nhà thầu Prysmian Powerlink (Ý) thực hiện. Dự kiến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
MỚI - NÓNG