Truyền thống lịch sử hào hùng
Những ngày này, thành phố Hà Nội đang hướng tới kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), ông có cảm nghĩ gì về Hà Nội trong lịch sử, Hà Nội hôm nay và Hà Nội trong tương lai?
Cách đây 70 năm, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, với thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, chính phủ Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta... Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.
Vào lúc 15 giờ, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng. Trong Lời kêu gọi, Bác căn dặn: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Mới đây, tại cuộc thăm, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã định hướng, giao một số nhiệm vụ trọng tâm cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, sáng tạo, gương mẫu của Đảng bộ đã được xây dựng, phát triển và giữ vững trong suốt 94 năm qua, tiếp tục lãnh đạo Thủ đô phát triển nhanh và bền vững. Thành ủy Hà Nội sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tổ chức thành công đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố, góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã đề ra; đảm bảo chăm lo an sinh, tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong suốt 70 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã nỗ lực không ngừng, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô cũng là dịp khơi dậy khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược
Thành phố Hà Nội đang chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội khoá XVIII. Đến nay, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khoá XVII ra sao, thưa ông?
Bám sát sự chỉ đạo của T.Ư, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát, thường xuyên, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, với tinh thần năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức; đoàn kết, quyết liệt, “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển”, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy và các cơ quan trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở quyết liệt thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 10 chương trình công tác, 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 20 chỉ tiêu và 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, cụ thể hóa và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố từng bước đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thành ủy thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đột xuất, đạt kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực phía Bắc và cả nước.
Đáng chú ý, Thành ủy đã kịp thời tham mưu, báo cáo với T.Ư, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ có tính chiến lược để phát triển Thủ đô, như: Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý quan trọng có tính chiến lược, dài hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông qua, góp phần tạo ra những định hướng quan trọng, cơ chế, chính sách vượt trội để Hà Nội phát huy lợi thế, phát triển nhanh và bền vững với tầm vóc và vị thế mới…
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận Hội nghị T.Ư 4 khóa XIII tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực. Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản mới, về công tác xây dựng Đảng làm cơ sở để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, góp phần thực hiện tốt mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Đến nay, 3 chỉ tiêu lớn về xây dựng Đảng trong Nghị quyết Đại hội XVII đều đạt và vượt kế hoạch đề ra...
Thành ủy Hà Nội tiếp tục coi trọng đổi mới tư duy, phong cách, phương thức lãnh đạo; vừa toàn diện, vừa xác định rõ có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn đúng, trúng những vấn đề cần tập trung chỉ đạo trong từng quý, từng năm; đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, nhìn thẳng vào hạn chế, yếu kém, không né tránh việc khó và các thách thức, quyết liệt chỉ đạo khắc phục hạn chế đã chỉ ra; chủ động dự báo, đánh giá, phân tích những vấn đề, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp, rủi ro và xây dựng kế hoạch khắc phục, không để bị động; xử lý kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả những phức tạp phát sinh từ thực tiễn của Thủ đô. Nghiêm túc chỉ đạo quán triệt đầy đủ, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; đồng thời tổ chức sơ kết, tổng kết đẩy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố đảm bảo chất lượng, hiệu quả…
Trân trọng cảm ơn ông!