Từ cần sa đến shisha!
Hai tháng trước, phát hiện nhiều nhóm thanh thiếu niên thường xuyên tụ tập tại những địa điểm công cộng có dấu hiệu bất thường, công an xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã điều tra, phát hiện và bắt giữ 34 đối tượng có hành vi hút, sử dụng cần sa ở các thôn buôn trên địa bàn xã, trong đó có 15 học sinh đang theo học tại một trường trung học phổ thông.
Lý do nghiện, các em khai báo vì bạn bè lôi kéo rủ rê, tò mò, thích cảm giác lạ nên muốn thử. Em Đ (17 tuổi, trú tại thôn Nam Thắng) cho biết: Em nghe nói dùng cần sa tinh thần phấn chấn, yêu đời nên muốn thử xem mùi vị thế nào. Em từng hút cần sa 2 lần cùng bạn bè. Nghĩ hút cần sa như hút thuốc chứ không biết như thế là vi phạm pháp luật. Nếu không bị các chú công an phát hiện thì có lẽ em vẫn tiếp tục sử dụng”.
Bị bạn bè rủ rê và cho thuốc hút, em V.D (15 tuổi, trú tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) kể: Hút xong, em có cảm giác chóng mặt, choáng váng, tay chân run rẩy, thèm ăn và cười ngơ ngẩn. Khoảng 15 phút sau mới mất cảm giác kỳ lạ đó. Thường thì em hút cùng bạn bè tại trường học, sân bóng đá, quán cà phê, có nhiều hôm tự hút một mình tại nhà.
“Vài năm trở lại đây, tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến phức tạp, tội phạm về ma túy năm sau cao hơn năm trước, có nhiều vụ án mua bán lớn, xuất hiện tình trạng một số em học sinh có sử dụng ma túy. Riêng năm 2015, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ 126 vụ, 157 đối tượng phạm tội về ma túy; phát hiện 2 vụ trồng trái phép cây cần sa, nhổ tiêu hủy 2.900 cây cần sa trồng trên diện tích 325m2” tại huyện Krông Ana và Cư M’gar”.
Thượng tá
Hoàng Tùng Diễn
Dễ dàng sử dụng nên cần sa thường được các đối tượng dùng mọi lúc mọi nơi. “Để hút cần sa, tụi em làm một dụng cụ như điếu cày bằng chai nhựa đổ nước vào, rồi dùng giấy bạc gói cần lại, cho vào ống châm lửa hút, cho vào điếu thuốc hoặc cuốn giấy bạc đốt” - V.D kể.Để có tiền mua cần sa, các con nghiện nhí đã dùng nhiều chiêu đánh lừa bố mẹ hoặc đem các vật dụng trong nhà đi cầm cố. Có học sinh còn trở thành cò trung gian để có tiền hút tiếp. Em H.T (17 tuổi, thôn 15) cho biết: Dành tiền ăn sáng 3 bữa là em đủ tiền mua thuốc. Nhiều lúc phải giả vờ xin ba mẹ tiền học thêm, mua đồ dùng học tập, đi sinh nhật bạn. Đứa nào muốn chơi phải góp, từ vài chục tới một trăm nghìn là đủ hút chung!
Ông Nguyễn Đình Vượng, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông cho biết: Xã đã mời các đối tượng lên làm việc lấy lời khai, hầu hết bọn trẻ đều viết đơn xin cai nghiện tại nhà dưới sự giám sát của gia đình. Trong vòng một tháng, nếu trường hợp nào không bỏ được thì sẽ phải đi cai nghiện bắt buộc. Xã còn phối hợp với phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường và ban tự quản thôn buôn họp, tìm giải pháp cai nghiện cho các em trên tinh thần giáo dục, răn đe, không kỳ thị, phân biệt đối xử. Qua thời gian thử thách, hầu hết các em đã cai nghiện thành công.
Nhiều nơi trên Tây Nguyên, học sinh trung học cũng đã đua đòi hút shisha. Đây là một loại thuốc lá không nằm trong danh mục cấm. Tuy nhiên, tác hại của shisha rất nghiêm trọng, vì nó tác động trực tiếp vào đường hô hấp. Nếu hút trong vòng một giờ, lượng khói hút vào cơ thể sẽ cao hơn 150 lần, lượng nicotin cao hơn 70% so với hút thuốc lá. Dân nghiện shisha còn bỏ thêm vào bình hút heroin và rượu… để tăng độ “phê”. Đã có chuyên gia khuyến cáo giới trẻ không nên dùng shisha, bởi sẽ nghiện lúc nào không hay.
Mua bán công khai
Vào facebook, chỉ cần gõ cụm từ “cần sa” sẽ hiện ra hàng loạt trang liên quan đến việc mua bán cần sa như: Mua bán cần sa bay, Hội mua bán hạt cần sa và thích trồng cần sa, Giao dịch mua bán cần sa, Mua bán cần sa sỉ và lẻ, Hội những người thích hút cần sa… với số lượng vài nghìn thành viên.
Trang facebook “Cần sa bay” quy tụ công khai gần 2.000 thành viên tham gia. Ở đó các thành viên có thể thoải mái trao đổi thông tin, rao bán, thương lượng giá cả thậm chí công khai cả số điện thoại để tiện liên hệ. Dù là giao dịch trên mạng nhưng cả người mua và người bán đều tỏ ra rất giữ “chữ tín”.
Một bạn trẻ tên Bính có thâm niên 3 năm dùng cần sa, rồi làm trung gian lấy cần sa về phân phối cho bạn bè ngồi trò chuyện với chúng tôi tỏ ra rất sành sỏi. Bính tiết lộ: Để mua cần sa không khó, chỉ cần có số điện thoại là có thể gọi đặt hàng. Nhưng đối với người mới sử dụng cần sa thì phải có “mối ruột” giới thiệu mới được giao hàng. Sau vài lần giao dịch, khi đã quen mặt, chỉ cần gọi trước báo số lượng sẽ được cung cấp đầy đủ. Địa điểm giao hàng thường không cố định mà thay đổi liên tục.
Điều nguy hiểm là trên các trang facebook này, các thành viên còn chia sẻ hình ảnh, đăng status, comment dạy nhau cách sử dụng cần sa, bán dụng cụ hút cần sa, hạt giống và chỉ cả cách trồng cây, thu hoạch.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý hám lợi của một số người dân, các đối tượng đầu nậu lừa người dân rằng cần sa là cây dược liệu dùng trong ngành chăn nuôi rồi thuê trồng và mua lại với giá cao. Thời gian gần đây, trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ trồng trái phép cây cần sa. Trồng cần sa là vi phạm pháp luật nhưng khi phát hiện, phần lớn các đối tượng chỉ bị xử lý về mặt hành chính từ vài trăm đến vài triệu đồng. Ngoài ra, không chỉ người dân mà ngay cả cán bộ địa phương nhiều người vẫn không biết cây cần sa là cây gì, nên cũng khó để phòng ngừa, phát hiện.
Tác hại khôn lường
Người bán cần sa công khai số điện thoại.
Phóng viên báo Tiền Phong tiếp xúc trao đổi với một số thanh thiếu niên sử dụng cần sa, thấy hầu hết trong số họ đều cho rằng dùng cần sa như hút thuốc, chưa ý thức được tác hại của loại ma túy này. Thành, một thanh niên thuộc diện “chuyên cần” cho biết: Cần sa được giới trẻ ưa chuộng vì chỉ gây nghiện ở dạng nhẹ, chủ yếu kích thích thần kinh tạo hưng phấn. Trong các loại ma túy có lẽ cần sa có giá rẻ nhất, chỉ cần vài chục ngàn là có một liều đủ phê còn với ma túy đá thì phải tốn tiền triệu. Từ 100 - 300.000 đồng là mua được 1 bịch cần, có thể dùng từ 2-3 lần cho một nhóm bạn từ 6-7 người.
Nhiều học sinh- sinh viên cũng chưa biết Bộ GD&ĐT đã ra Quyết định số 48, ghi rõ: Học sinh, sinh viên, học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục sử dụng ma túy hoặc tái sử dụng ma túy khi bị phát hiện sẽ bị kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ học tập 1 năm hoặc buộc thôi học, trở về gia đình phối hợp tổ chức cai nghiện.
Thượng tá Hoàng Tùng Diễn, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: cần sa là chất gây nghiện nằm trong danh mục quản lý do Chính phủ ban hành, nên việc trồng, mua bán và sử dụng chất cần sa đều là hành vi phạm pháp. Tác hại của cần sa rất nguy hiểm, không hề thua kém heroin hay ma túy tổng hợp. Cần sa gây ảo giác mạnh, làm cho con người có những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, không làm chủ được bản thân, dễ bị kích động thực hiện những hành vi sai trái… Nếu dùng quá liều sẽ sốc, nôn ói, thậm chí tử vong!