Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - Kỳ 3: Khi người giữ rừng… buông

TP - Những năm gần đây, số lượng kiểm lâm, người giữ rừng ở Tây Nguyên nghỉ việc đến mức đáng báo động. Danh sách người nghỉ việc cứ nối dài trước sự tiếc nuối và bất lực của chủ rừng và các cơ quan quản lý.

Day dứt chuyện cơm áo

Đắk Lắk là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn của cả nước (hơn 497.000ha, tính đến tháng 12/2022). Diện tích rừng lớn nhưng biên chế giao cho ngành kiểm lâm hiện nay mới đáp ứng khoảng 80% nhu cầu. Thiếu biên chế, kiểm lâm phải kiêm nhiệm nhiều vị trí, phụ trách nhiều địa bàn (có trường hợp 1 kiểm lâm phải kiêm nhiệm từ 5 - 6 xã có rừng với diện tích hàng chục ngàn ha); cùng với đó, số lượng kiểm lâm có độ tuổi trên 50 lại chiếm tỷ lệ cao (khoảng 30%), sức khỏe không đảm bảo để tuần tra bảo vệ rừng và đối mặt xử lý các đối tượng manh động, chống đối lực lượng thi hành công vụ. Những lý do trên khiến kiểm lâm, người giữ rừng liên tục xin nghỉ việc, từ chức, xuống chức…

Đơn cử, tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) - nơi đang quản lý hơn 27.000ha rừng, nhưng chỉ có 66 viên chức và 15 hợp đồng trả lương theo dịch vụ môi trường rừng. Lực lượng vốn đã mỏng nay càng thưa thớt hơn khi nhân lực cứ dần “rơi rụng”. Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, tại đơn vị có 28 người xin nghỉ việc, chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trước tuổi.

Trong đơn xin nghỉ việc, nhiều kiểm lâm, lực lượng giữ rừng nêu lý do vì cuộc sống quá khó khăn, thu nhập không đủ lo cho gia đình. Như trường hợp anh T.Đ.P (nhân viên hợp đồng trong biên chế), vừa nộp đơn xin nghỉ việc vào đầu năm 2023. Trong đơn, anh cho hay, vào đơn vị công tác từ tháng 2/2016. Quá trình công tác, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được sự tín nhiệm của Ban giám đốc và tập thể. Tuy nhiên hiện nay, cuộc sống gia đình khó khăn, vợ không có việc làm. Thu nhập của anh không thể lo cho gia đình nên xin nghỉ việc để tìm hướng mưu sinh khác.

Cây chắn ngang đường, người giữ rừng phải luồn người đi qua

Một nhân viên của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô quyết định nộp đơn xin nghỉ việc từng chia sẻ với PV Tiền Phong rằng, phải mất 2 năm suy nghĩ. Anh tâm sự, hơn chục năm gắn bó với rừng, nếm trải không ít gian truân, thậm chí hiểm nguy của nghề “giữ vàng”. Khổ mấy anh cũng chịu đựng được, nhưng đó là thời trai trẻ, khi trên vai chưa gánh trách nhiệm làm chồng, làm cha. Có những lần anh đi tuần tra, truy quét lâm tặc biền biệt. Vợ mòn mỏi ở nhà vừa chăm con ốm vừa chực chờ điện thoại để biết chồng mình vẫn ổn. Nỗi vất vả không ai thấu hiểu hết nhưng đồng lương thì quá thấp. Chỉ vài triệu đồng/tháng nhưng anh phải tự túc tiền xăng xe, điện thoại, ăn uống trong rừng…Cùng cực quá, anh xin nghỉ việc dù bản thân chưa có nghề gì trong tay. Anh bảo sẽ đi làm mướn, ai thuê gì làm đó, miễn phụ giúp được vợ, chăm lo cho các con nhỏ.

Trách nhiệm cao, địa bàn rộng

Tình trạng quá tải công việc, “ôm” không xuể địa bàn khiến nhiều nhân viên bảo vệ rừng đồng loạt xin nghỉ việc, hiện đang là vấn đề đau đầu ở Chi cục Kiểm lâm, các ban quản lý rừng đặc dụng và Cty TNHH MTV lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Có thể thấy, công tác giữ rừng, bảo vệ rừng là nhiệm vụ hàng đầu và về lâu về dài; thế nhưng, nhân lực lại thiếu hụt trầm trọng, khiến công tác quản lý rừng nhiều năm nay bị lỏng, kém hiệu quả.

Bữa ăn với mì gói

Theo tìm hiểu, trong vòng 5 năm, tính từ năm 2018 đến tháng 8/2023, hơn 400 nhân viên bảo vệ rừng ở tỉnh Kon Tum xin nghỉ việc vì vất vả, áp lực trách nhiệm, lương thấp. Đặc biệt ôm không xuể địa bàn. Cụ thể, có 222 người làm việc tại các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; 173 người làm việc tại các Cty TNHH MTV lâm nghiệp và 6 kiểm lâm xin nghỉ việc.

Điều đáng nói, toàn tỉnh Kon Tum hiện có 103 địa bàn có rừng nhưng chỉ có 90 kiểm lâm địa bàn phụ trách. Tuy nhiên, theo Nghị định của Chính phủ quy định, mỗi địa bàn có rừng sẽ do một kiểm lâm địa bàn phụ trách. Từ đó gây không ít khó khăn, kém hiệu quả trong công tác quản lý rừng tại các địa bàn.

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho hay, cán bộ kiểm lâm phải chịu trách nhiệm về diện tích rừng địa bàn quản lý là 24/24h nhưng chỉ hưởng lương 8h/ngày. “Chưa kể, nhiều kiểm lâm phải làm việc gấp nhiều lần khối lượng công việc theo quy định. Đơn cử, có những kiểm lâm địa bàn phải quản lý một lúc 2-3 địa bàn rộng vì không đủ nhân lực”, vị này khẳng định.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Cty TNHH MTV Lâm nghiệp huyện Kon Plông là đơn vị có nhiều cán bộ nhân viên nghỉ việc nhất tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp huyện Kon Plông cho hay, trong 3 năm, đơn vị có 31 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc. Vị giám đốc này khẳng định, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhiều nhân viên bảo vệ rừng bỏ việc do lương thấp, các chế độ chính sách chưa đáng với công sức bỏ ra.

Đang trò chuyện với PV, điện thoại của ông Trần Quốc Huy (Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô) vang lên. Sau vài câu nói, khuôn mặt ông bỗng dưng thất thần: “Lại một trường hợp có biểu hiện muốn nghỉ việc cô ạ”, ông Huy nói và cho biết nhân viên này mới vào làm việc. Vì chưa có chỉ tiêu biên chế nên đơn vị ký hợp đồng trả lương theo dịch vụ môi trường rừng (tức khoảng 5-6 triệu đồng/tháng). Biết gia đình nhân viên này ở xa nên đơn vị thường xuyên quan tâm, động viên, làm công tác tư tưởng, nhưng quả thật “cơm áo không đùa với người giữ rừng”…

“Bên cạnh đó, nhân viên phải trực gác rừng nơi hẻo lánh, ít có thời gian gần nhà, chăm sóc gia đình…Nhiều trường hợp trong thời gian công tác còn bị lâm tặc khủng bố qua gọi điện thoại, nhắn tin hù dọa nhiều ngày”, ông Hải cho hay.

Tại Gia Lai, quản lý trên 24.600ha rừng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk, nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba (huyện Krông Pa) chỉ có 18 nhân viên. Đây là thách thức vô cùng lớn với ban quản lý rừng này. Để quản lý, bảo vệ diện tích rừng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk, nhân viên của ban phải đi xe máy gần 4 tiếng đồng hồ với địa hình hết sức khó khăn, nguy hiểm. Khổ nhất là mùa mưa, anh em phải dầm mình trong mưa băng qua thác dữ, rồi vắt rừng, cảm sốt.

Đường đi tuần tra của người giữ rừng

Để tăng nhân lực giữ rừng, thời gian qua, Gia Lai đẩy mạnh công tác giao khoán bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh có gần 60 nghìn hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với diện tích trên 847.000ha. Tổng kinh phí thực hiện khoán bảo vệ rừng 250 tỷ đồng. Thời gian tới, các đơn vị chủ rừng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các hộ nhận khoán về công tác bảo vệ và phát triển rừng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, phấn đấu nâng cao độ che phủ rừng.

(Còn nữa)