Buôn lậu “canh” đồn biên phòng
Quanh khu vực Cửa khẩu Tịnh Biên, cách thành phố Châu Đốc (An Giang) 10 km, ban ngày mọi hoạt động buôn bán, qua lại cửa khẩu diễn ra bình thường. Nhưng khi màn đêm buông xuống, xe gắn máy chở hàng lậu xuất hiện, nhanh chóng chia nhỏ các kiện hàng và liên tục vận chuyển qua khu vực đường biên cửa khẩu.
Ông N. V. T, người dân ở thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên, An Giang) nói với phóng viên Tiền Phong: “Gần Tết buôn lậu chạy nhộn nhịp hơn ngày thường, bất kể ngày đêm. Từ Campuchia họ qua ít nhất 4 điểm theo kênh đậu mé bờ nước bạn rồi lợi dụng lúc vắng đem hàng (chủ yếu đường, thuốc lá) qua sông đưa lên xe ô tô tải, du lịch và gắn máy vào nội địa. Ban đêm xe gắn máy chở thuốc chạy ầm ầm, dân ở đây mãi rồi cũng quen. Trong khi lực lượng chức năng lâu lâu bắt được một lần, chẳng thấm gì so với thực tế buôn lậu đang chạy trên đường”.
“Tối qua (28/12) mới bắt được 1.850 gói thuốc lá lậu. Còn mấy hôm trước bắt 2 vụ hơn 3.000 gói thuốc từ Campuchia về Việt Nam”, thượng tá Hoàng Văn Nam, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn, thành phố Châu đốc, An Giang, nói. Theo thượng tá Nam, nhiều lần vừa ra khỏi đồn là buôn lậu biết, thông báo cho nhau dừng mọi hoạt động. “Không phải đêm nào đi cũng bắt được, nhiều hôm thức trắng đêm mai phục nhưng vẫn về tay không. 10 trận bắt được 1 – 2 vụ là mừng vì vừa ra khỏi thì bọn chúng phát hiện”.
Thượng tá Nam cho biết lực lượng biên phòng phối hợp các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, tuy nhiên, do địa bàn biên giới dài, phức tạp, trong khi lực lượng mỏng nên còn hạn chế. “Buôn lậu chủ yếu hoạt động ban đêm. Bọn chúng từ Campchia đai (vác) qua các bờ mẫu rồi tuồn vào nội địa. Các đối tượng cử người canh gác cẩn mật, có tổ chức khắp mọi nơi, hầu như các hoạt động của đồn họ đều biết. Ngay trước mặt và sau lưng đồn luôn có vài ba đối tượng túc trực 24/24 để giám sát”, Thượng tá Nam nói.
Tình hình buôn lậu tuyến biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp, với phương thức hoạt động tinh vi, có tổ chức và thay đổi nhanh theo tình hình. Buôn lậu bất chấp pháp luật, tìm mọi cách vận chuyển hàng qua biên giới vào sâu nội địa tiêu thụ. Địa bàn nóng vẫn là Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, do điều kiện địa lý, đường biên giới dài, đời sống người dân còn khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định.
Theo ông Phan Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường An Giang, hàng lậu thường được tập kết sát biên giới để chờ thời cơ (đêm tối hoặc sáng sớm) rồi sử dụng xe mô tô, xuồng tốc độ cao chuyển qua biên giới theo đường mòn, kênh rạch. Sau đó được cất giấu, chia nhỏ để tiếp tục đi sâu vào nội địa. Các đối tượng đầu nậu luôn cử người canh coi suốt quá trình hoạt động để báo tin cho nhau, thường xuyên thay đổi địa điểm.
Khó xử lý
Theo ông Phan Lợi, khó khăn hiện nay là tình trạng quay vòng hóa đơn, buôn lậu sử dụng hồ sơ hàng hóa phát mãi. Ví dụ 1 trường hợp đường cát xử lý tịch thu phát mãi, khi đấu giá buôn lậu mua lên đến 41.667 đồng/kg trong khi giá thị trường chỉ 16.000 đồng, gấp 3 lần thực tế nhằm lấy hồ sơ đó để buôn lậu. Ngoài ra, các đối tượng sử dụng hồ sơ mua đường cát nhiều của các nhà máy, công ty để đối phó. Vấn đề này tồn tại nhiều năm, có kiến nghị nhưng chưa giải quyết triệt để. Vì thế, đề nghị không bán đấu giá mà chỉ bán cho nhà máy đường trong nước tái chế lại.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, khó khăn trong xử lý thuốc lá là các văn bản bị chồng chéo, ách tắc, bắt về xử lý không biết thế nào cho đúng. Vì thế, cách xử lý là bắt được kiểm tra sử dụng hóa đơn mua đấu giá, mỗi lần kiểm tra ghi vào, ký tên sau lưng hóa đơn, lần sau đi nữa đưa hóa đơn ra không còn hiệu lực. Có thế mới hạn chế được.
Ông Lê Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang cho biết, địa phương có tuyến biên giới đường bộ hơn 57 km, hoạt động buôn lậu nhỏ lẻ, mặt hàng chủ yếu đường cát và thuốc lá. Khó khăn là các hộ kinh doanh trực tiếp đi lên khu vực biên giới Hà Tiên đăng ký kinh doanh, được cơ quan nhà nước cấp chứng nhận thu gom, sang chiết đóng gói đường cát. “Họ chuyển thành bao đường 12 kg (cây đường) vận chuyển khỏi biên giới khoảng nửa tiếng là không có bao bì. Khi đó, họ được sang chiết, thu gom, đóng gói, cứ như thế gây khó khăn trong bắt giữ. Tình trạng này xuất phát từ Thông tư 45 của Bộ NN&PTNT”, ông Hưng cho hay.
Theo ông Hưng, Kiên Giang đề xuất thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện, nhưng thông tư vẫn còn nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Đối với thuốc lá, buôn lậu không vận chuyển bằng xe thô sơ mà chuyển bằng xe đò, ô tô. “Vướng ở đây là bắt 1 xe đò khoảng 5.000 gói, lúc đó tài xế, chủ xe nói không liên quan nhau. Cuối cùng trị giá xe gần 2 tỷ không xử lý hình sự được mà chỉ xử hành chính. Trong khi tài xế không có khả năng nộp phạt, còn chủ xe không liên quan hành vi vận chuyển. Vì thế, đề nghị khi trả xe thì người vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước đủ số tiền phạt, may ra mới thực thi được. “Thực tế giữa chủ xe và tài xế rõ ràng có quan hệ với nhau, trong trường hợp này phải làm như thế thì xử lý mới có hiệu quả, còn không rất khó”, ông Hưng nói.
Theo ông Nguyễn Minh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp, buôn lậu chạy xe honda khi bị bắt bỏ của chạy lấy người, sau đó cử chính chủ quay lại nhận phương tiện, mặc dù mình biết trước đó là người chủ bỏ chạy.