Nhiều đường dây lớn bị triệt phá, tại sao buôn lậu vẫn nóng?

Cục trưởng Nguyễn Phi Hùng chia sẻ với báo chí
Cục trưởng Nguyễn Phi Hùng chia sẻ với báo chí
TPO - “Anh em chúng tôi chịu nhiều áp lực của các đối tượng buôn lậu. Nhiều người từng bị nhắn tin đe dọa, khủng bố gia đình và người thân, viết đơn tố cáo mạo danh, nặc danh để làm giảm ý chí, tinh thần chiến đấu của anh em tôi”, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng chia sẻ.

Báo cáo của Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, tính đến 15/12, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.184 vụ vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng gần 790 tỷ đồng. Qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 335 tỷ đồng (tăng 95% so với cùng kỳ năm 2016). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 51 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 68 vụ.

Theo Cục phó Cục điều tra chống buôn lậu Nguyễn Văn Thọ, năm 2017, nạn buôn lậu và buôn bán hàng giả vẫn hết sức nhức nhối. Các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thường xuyên có sự dịch chuyển hàng hóa nghi vấn qua lại giữa các cảng.

Nhiều đối tượng còn gian lận trong việc nhập-xuất kho ngoại quan tái xuất đi các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Ngoài ra, tội phạm còn lợi dụng chính sách hàng quá cảnh để khai báo sai, trong quá trình vận chuyển sẽ rút hàng ra tiêu thụ tại Việt Nam hoặc thẩm lậu ngược vào Việt Nam qua đường mòn biên giới.

Mặt hàng buôn lậu nhiều nhất trong năm qua chủ yếu là điện thoại di động, xì gà, lá khô chứa chất ma túy và chất hướng thần, mặt hàng thuộc danh mục CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) như ngà voi cất giấu trong các hộp gỗ đóng trong container khai báo là gỗ xẻ hộp nhập khẩu từ Châu Phi...

Lý giải về việc tại sao nhiều vụ buôn lậu lớn bị triệt phá nhưng nạn buôn lậu vẫn nóng hừng hực, theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, do đối tượng cầm đầu các đường dây buôn lậu lớn đều là những kẻ có tiềm lực tài chính. Không ít đối tượng dùng tiền để mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo cư dân, người lao động nghèo trên địa bàn, một số cán bộ biến chất trong các cơ quan chống buôn lậu nhằm tìm sự bảo kê của lực lượng chức năng địa phương…

Ngoài ra, trong thực thi nhiệm vụ, lực lượng chống buôn lậu hải quan vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Thẩm quyền của lực lượng kiểm soát hải quan chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; Bộ Luật Tố tụng hình sự chưa quy định cho cơ quan Hải quan khởi tố, điều tra vụ án hình sự đối với một số tội danh như ma túy, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, sở hữu trí tuệ,...

Ngoài ra, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 127 của Chính phủ, cấp Đội, Hải đội được tịch thu tang vật vi phạm có trị giá không vượt quá 25 triệu đồng với cá nhân và không quá 50 triệu đồng với tổ chức. Thẩm quyền của cấp Cục trưởng chỉ được phạt và tịch thu hàng hóa vi phạm có trị giá không vượt quá 50 triệu đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, trên thực tế các vụ bắt giữ của Cục Điều tra chống buôn lậu đều có trị giá hàng vi phạm cao hơn (100 triệu đồng) so với quy định tại Nghị định...

Ngoài ra, thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan Hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu còn bị hạn chế. Pháp luật hiện hành chỉ quy định cho Hải quan có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự đối với tội "buôn lậu" và tội "vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới". Tuy nhiên, trong thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành, trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, có rất nhiều loại tội phạm xảy ra thuộc nhiệm vụ quản lý của ngành Hải quan như: vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy qua biên giới; trốn thuế, rửa tiền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả…

Một khó khăn nữa là cơ quan Hải quan khi phát hiện tội phạm tại cửa khẩu lại không được phép tạm giữ, bắt người. Nhiều vụ việc, dù bắt quả tang nhưng cơ quan Hải quan phải chuyển ngay cho cơ quan Công an để khởi tố và bắt giữ.

Trong hoạt động tổ chức điều tra hình sự, việc thu giữ, bảo quản, sử dụng vật chứng để phục vụ công tác điều tra hết sức quan trọng, tuy nhiên cơ quan Hải quan không được pháp luật cho phép xây dựng kho tạm giữ vật chứng. Do vậy, khi thu giữ vật chứng, cơ quan Hải quan phải gửi ở cơ quan Công an nên ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, hiệu quả điều tra vụ án...

Tội phạm "khủng bố"

Trong năm 2017, một trong số những vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại được dư luận quan tâm là vụ mất tích 213 container ở cảng Cát Lái (TP.HCM). Sau đó, Tổng cục Hải quan phát hiện, điều tra và chuyển hồ sơ cho Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý. Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 3 công chức hải quan liên quan. Có hay không việc cán bộ hải quan tiếp tay cho buôn lậu?

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, đơn vị chỉ đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan điều tra để xác định hành vi vi phạm của 3 công chức trên và các cá nhân khác để phục vụ cho công tác điều tra, xác minh. Căn cứ kết quả điều tra, xác minh của Cơ quan điều tra, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh sẽ xem xét, xử lý kỷ luật đối với các cá nhân liên quan trực tiếp, cá nhân (lãnh đạo các cấp) liên đới trách nhiệm để công chức, vụ việc xảy ra thuộc đơn vị, lĩnh vực do mình quản lý, phụ trách theo quy định.

"Những cán bộ, công chức nào vi phạm nghiệp vụ đều bị xử lý nghiêm khắc, không được bao che, dung túng sai phạm" Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng khẳng định. 

Cũng theo ông Hùng, toàn cục xác định nhiệm vụ chống buôn lậu hết sức phức tạp, chỉ thành công khi ngăn chặn, triệt phá được nhiều đường dây lớn, giảm tình hình nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo an toàn tính mạng của mình.

“Anh em chúng tôi chịu nhiều áp lực của các đối tượng buôn lậu, từng bị nhắn tin đe dọa, khủng bố gia đình và cả trực tiếp cán bộ; tung những vật bẩn vào nhà, viết đơn tố cáo mạo danh, nặc danh để làm giảm ý chí, tinh thần quyết tâm của anh em tôi”, ông Hùng trần tình.

Trước những thủ đoạn đó, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết đã quán triệt tinh thần, động viên cán bộ công chức hết sức tỉnh táo, vượt qua khó khăn.

Liên quan một số vụ việc, cơ quan Hải quan bị doanh nghiệp kiện ngược lại trong một số vụ việc bắt bớ, khởi tố, ông Hùng cho rằng: “Trong quá trình đấu tranh với tội phạm, có nhiều thông tin trái chiều. Thậm chí chúng tôi chấp nhận có những lúc mang tiếng xấu, thua kiện nhưng kiên quyết bảo vệ sự thật đến cùng. Đừng để giới buôn lậu lắm của nhiều tiền vùng vẫy, vu oan giáng họa. Nếu không bản lĩnh, chúng tôi sẽ không thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng chống buôn lậu mà Chính phủ, Nhà nước đã giao phó”.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.