> Tình yêu nói theo cách người trẻ
> 'Khóa tình' trên cầu Long Biên
> Đua nhau khóa... tình yêu
Ấy vậy mà có vị quan tham còn làm cả một cái khóa bằng vàng ròng hẳn hoi, chìa khóa bằng kim cương để tặng người yêu!
Hãi quá.
Nhưng đó là câu chuyện tôi sẽ kể phần sau.
Bây giờ, tôi xin hầu bạn đọc câu chuyện những chiếc khóa tình yêu bằng sắt, bằng đồng ?của những đôi trai gái đang yêu nhau.
Chuyện bắt đầu từ cây cầu thế kỷ, cầu Long Biên nổi tiếng bắc qua sông Hồng.
Khi có mấy người bạn tôi khoe rằng, họ đi chơi tết trên cầu Long Biên thích lắm, còn được chứng kiến cảnh trai gái yêu nhau…
Nổi hứng, bắt tắc xi, tôi đến cầu Long Biên.
Đã rất nhiều năm tôi không qua cái cầu lịch sử này. Cái cầu mà 35 năm trước tôi đã bị tắc xe hàng tiếng đồng hồ, cái cầu đã đi vào thơ ca nhạc họa ?
Sông Hồng nước lên, anh đưa em qua
Tháng tám, cầu nhô hai nhịp gãy Sông Hồng nước lui khi anh trở lại
Ta nắm tay nhau đi trên nhịp đã liền...
Hình như thơ Bằng Việt thì phải. Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng đã là nhịp cầu của tình yêu ngay giữa ngày đạn bom khói lửa.
Giờ hòa bình rồi, cầu Long Biên là nhịp cầu lịch sử, nhịp cầu tình yêu có lẽ khỏi phải bàn!
Tôi hòa vào dòng người đi chơi tết trên cầu. Dưới chân cầu là dòng nước sông Hồng lấp lánh tuôn chảy.
Người ta đồn quả không sai.
Tôi đã nhìn thấy những đôi trai gái yêu nhau tay trong tay, mắt nhìn vào mắt nhau say đắm.
Tôi bỗng nhớ câu thơ của Việt Phương “Ta đi yêu người ta yêu nhau”.
Họ rút trong túi quần, ví xách ra những chiếc khóa bằng sắt, bằng đồng rồi cùng nhau khóa vào bo cầu, vứt chìa khóa xuống dòng nước sông Hồng đang cuộn chảy.
Tôi hỏi một cô gái “Đó là những chiếc khóa tình yêu phải không ?”.
Cô gái cười. Chàng trai đi cùng trả lời tôi “Vâng, khóa tình yêu anh ạ”.
Khóa tình yêu!
Ổ khóa, khóa chặt vào cây cầu lịch sử, chìa khóa, ném xuống dòng sông Hồng, làm sao tìm lại được, nên tình yêu bền chặt trăm năm!
Tôi bỗng nhớ tới câu thơ của Lâm thị Mỹ Dạ:
Lẽ nào em buộc cánh anh
Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu...
Hai người dùng hôn nhân để buộc chặt lấy nhau nếu không có đôi cánh của tình yêu liệu có bền chặt suốt đời không ?
Chỉ có tình yêu mới buộc chặt tình yêu chăng ?
Giống như những chiếc khóa tình yêu này!
Chiếc khóa tình yêu để khóa chặt tình yêu như người xưa dùng dây Tơ Hồng của ông tơ bà nguyệt buộc vào chân đôi trai gái yêu nhau để họ sống với nhau đến trọn đời, đến đầu bạc răng long!
Biểu tượng của tình yêu thời xưa và biểu tượng của tình yêu bền chặt thời nay. Thật thú vị!
Và , tôi lại nhớ đến những chiếc khóa tình yêu trên Vạn lý Trường Thành.
Nhớ đến vụ án chiếc khóa tình yêu bằng vàng.
Tôi nhớ lần đi du lịch Trung Quốc gần đây. Tôi đến thăm Vạn lý Trường Thành.
“Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”...?Tôi mua một chiếc áo phông có dòng chữ này để tự bảo mình rằng, ta đã đến Trường Thành, ta đã là hảo hán!
Tôi phát hiện ra một sự lạ: Những chiếc khóa.
Nghe nói sau sự kiện đám cưới tập thể mấy trăm người được tổ chức trên Vạn Lý trường Thành, thanh niên Trung Quốc thường lên đây với những chiếc khóa tình yêu !
Không thể đếm hết. Có hàng ngàn, hay hàng vạn chiếc khóa to, nhỏ, bằng sắt, bằng đồng khóa liền nhau tạo thành một dãy dài hàng trăm mét dọc theo đoạn thành dốc đứng dẫn lên tháp canh thứ nhất.
Giữa dòng người đông nghẹt chen lấn nhau để trèo lên cao, tôi nhìn thấy nhiều đôi nam nữ, tay trong tay, mắt nhìn vào mắt nhau say đắm.
Từng đôi một mang theo những chiếc khóa đủ mầu sắc, kích cỡ, miệng thầm thì điều ước gì đó rồi cùng nhau khóa vào bò sắt của Trường Thành những chiếc khóa họ mang theo.
Họ tung những chiếc chìa khóa lên trời cao, mặc cho nó rơi vào khoảng không vô định...
Không ai có thể tìm lại những chiếc chìa khóa kia.
Tình yêu của họ bền chặt như bức Trường Thành ngàn năm có một không hai này.
Theo số liệu mà tôi được biết, Vạn lý Trường Thành được xây cách đây 2.600 năm với độ dài gần 7.000 ki lô mét, từ Đông (Liêu Ninh), đến Tây (Tân Cương).
Trong tấm vé vào cửa giá 40 tệ, có ghi:
“Vạn lý Trường Thành là vật thể duy nhất trên trái đất có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ mặt trăng...”.
Một nơi như vậy đáng để cho tình yêu thử thách lắm chứ!
Trên đường về, chúng tôi vào thăm Vương phủ Tỉnh, thăm nhà của
Hòa đại nhân.
Nhân vật nổi tiếng là tham lam và nịnh nọt như vậy, vẫn sống bình yên cạnh nhà vua.
Người ta kể rằng Hòa Thân cũng có những chiếc khóa “Tình yêu” .
Nhưng, không phải tình yêu nam nữ , mà là tình “Yêu” tiền bạc. Nhiều đêm Hòa Thân mở khóa những rương hòm, nhặt từng đồng tiền vàng đưa lên môi hôn…
Khi vua Càn Long băng hà , con trai vị hoàng đế này đã ra lệnh bắt Hòa Thân giam vào ngục.
Bấy giờ người ta mới biết Hòa đại Nhân có hàng ngàn chiếc khóa, của cải mà Hòa Thân vơ vét được của dân bằng 10 năm tiền thuế của cả Trung Hoa thời bấy giờ.
Nhưng, thời nào cũng có những vị quan tham.
Tỷ như Thành Khắc Kiệt, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc đã lĩnh án tử hình.
Câu chuyện được nhiều người kể lại, vị quan tham này đã đúc một chiếc khóa bằng vàng, vàng ròng hẳn hoi, chìa khóa làm bằng ngọc để tặng người yêu, tức cô bồ của mình.
Oái oăm thay, chính là chiếc khóa tình yêu bằng vàng này đã là manh mối cho một vụ án, đã dẫn Thành Khắc Kiệt đến cẩu đầu trảm!
Không biết là vì muốn khoe của, hay khoe bồ (bồ làm đến chức Phó chủ tịch Quốc hội cơ mà), người yêu của Thành Khắc Kiệt đã mang chiếc khóa tình yêu bằng vàng trưng ra với bạn bè ?
Và, chiếc khóa tình này , thành chiếc khóa phụ tình. Bắt đầu từ chiếc khóa tình yêu bằng vàng, người ta đã lần ra những manh mối tham ô của vị quan tham.
Hóa ra, khóa tình yêu dù làm bằng vàng mà không có tình yêu chân chính thì tình yêu sao có thể vững bền!
Nhà vườn Sóc Sơn 2012