Khỏa thân với Sơn Ta và những chuyện nhỏ to

TPO - Năm họa sĩ của nhóm Sơn Ta vừa ra mắt một tuyển chọn những bức sơn mài đa phong cách quanh chủ đề Chuyện to chuyện nhỏ. Mỗi ý tưởng mà họ theo đuổi và phản ánh đều kể những câu chuyện đa nghĩa và có sức lay động. Các tác phẩm đang được trưng bày tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Nude 4 của Chu Viết Cường đang triển lãm tại 29 Hàng Bài, Hà Nội

Chuyện to chuyện nhỏ chọn lọc 27 tác phẩm sơn mài của Chu Viết Cường, Nguyễn Nghĩa Dậu, Bùi Quốc Khánh, Nguyễn Hữu Thông và Hoàng Hữu Vân. Các bức tranh thể hiện cái nhìn tinh tế của các họa sĩ từ những góc nhỏ, những lát cắt của đời sống thiên nhiên, xã hội đưa lại cho người xem những cảm nhận, chiêm nghiệm sâu sắc hay bay bổng. Triển lãm kéo dài tới hết 4/12.

Nguyễn Nghĩa Dậu (giảng viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam) giới thiệu những bức tranh hoa sen đậm chất thiền ẩn chứa nhiều năng lượng sống. Anh thu hút người xem bằng những mảng không gian tĩnh lặng đơn sắc đầy biểu cảm.

Có thể nói Nguyễn Nghĩa Dậu đã thành công trong chuyển tải cảm nhận cá nhân về sự biến chuyển của thời gian, từ đó đem lại những sắc thái suy tư, tâm thức cảm nhận rất khác nhau (như mùa Hạ khác mùa Đông) nhưng đều đạt đến độ sâu trong mỗi bức tranh. “Sự biến đổi về không/thời gian được cảm nhận từ những mảng màu buông rộng lớn đến những chi tiết nhỏ li ti nhưng đầy tinh tế của những bông hoa, sinh động hơn khi được hòa cùng ong, bướm”, tác giả phân tích. “Tranh tôi hướng đến có sự cô đọng, giản lược mảng, hình, có sự thích thú của từng chi tiết thông qua màu sắc lộng lẫy của chất liệu sơn ta”.

Sơn mài Lặng yên dưới trăng của Nguyễn Nghĩa Dậu

Bằng 4 bức sơn mài khổ 80x160cm, Bùi Công Khánh nhắc nhở chúng ta về những ngăn cách trong xã hội được quyết định bởi vật chất. Tâm điểm trong tranh của anh là các hàng rào mắt cáo được làm bằng vàng chia cách các thế giới của người giàu và người nghèo, người hưởng thụ và người làm công… Trong tranh của anh chỉ có biểu tượng ngăn cách là rõ, còn những hình hài con người chỉ là những mảng màu tương phản lờ nhờ. Các thế giới đối lập luôn tồn tại trong cuộc sống và có xu hướng ngày càng xa nhau, như nước giàu với nước nghèo, người giàu với người nghèo. Anh muốn vật chất khoảng cách vô hình này. Chúng đang trở nên ngày càng thật đến mức mỗi khi hiện diện, chúng có khả năng xóa nhòa nhân tính của con người dù ở bên nào. Có thể thấy tác giả vẫn chọn điểm nhìn từ phía người nghèo để diễn tả. Anh đặt tên bộ tranh là Song song: Bên ngoài bên trong.

Song song của Bùi Công Khánh

Nguyễn Hữu Thông giới hạn tưởng tượng của người xem bằng thông báo về đối tượng anh đề cập trong những sáng tác thiên về trừu tượng chính là loài cây cùng tên: thông. “Tôi mượn hình ảnh cây thông để nói lên những khoảnh khắc cảm xúc của tôi khi quan sát thiên nhiên. Khi thì mềm mại lãng mạn, khi mạnh mẽ mọc vươn thẳng lên trời cao, khi thì run sợ trước mưa giông, gió bão”, anh chia sẻ. “Cây cối cũng như con người là một phần không thể thiếu của thiên nhiên. Cây cối cũng có linh hồn và đời sống riêng của nó, nếu con người chịu để ý và hòa mình bằng một tâm hồn yêu thiên nhiên sẽ có được sự rung cảm đồng điệu với thiên nhiên”. Có thể thấy Thông đã lột tả đến tận những “đường gân thớ gỗ”, chạm đến tinh thần, năng lượng của đối tượng mà anh quan tâm.

Thông 3 của Nguyễn Hữu Thông

Những bức khỏa thân của Chu Viết Cường rất thực, rất đời, mang biểu cảm của ngày hôm nay. Những hình khối như đang động đậy, muốn bật ra khỏi khung tranh hoặc khỏi chủ đề đối lập mà chúng bị đặt vào. Bình luận của nhà phê bình Dumay Solinggay: “Chủ đề trọng tâm của Chu Viết Cường là phụ nữ- sự điềm tĩnh, mềm mại và gợi cảm của họ. Anh thể hiện phụ nữ như một nơi trú ẩn khỏi những căng thẳng của cuộc sống hàng ngày”. Hoàng Hữu Vân thì thích đưa không gian của lịch sử, của văn hóa truyền thống gần lại với đời sống hôm nay.

Thăng Long-Hà Nội của Hoàng Hữu Vân

Vẫn Dumay Solinggay: “Cuộc sống hàng ngày vốn những ‘chuyện nhỏ’ hầu như không được chú ý và vô tình bị che lấp bởi những ‘chuyện to’ được đem tới từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Các tác phẩm sơn mài của năm nghệ sĩ tài danh là một nỗ lực cũng như bộ lọc giúp chúng ta nhìn rõ hơn và lắng nghe những cuộc trò chuyện mà họ có trong cuộc sống hàng ngày”.

Nude 2 của Chu Viết Cường