UARS rơi xuống một vùng rộng lớn gần nghìn cây số trải cả hai nửa bán cầu. NASA, cơ quan không gian hàng đầu thế giới và là chủ nhân của cục rác vũ trụ này, còn không xác định được chính xác địa điểm rơi của nó. Thế thì không thể đòi hỏi các cơ quan không gian Việt Nam còn quá non trẻ đưa ra bất cứ thông báo gì đường đi của các mảnh vỡ. Nói dại, nếu mảnh vỡ nào rơi xuống lãnh thổ nước ta và nếu gây thiệt hại, cũng không thể đổ lỗi cho họ.
Nhưng nếu họ mần thinh một khi Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng có thể ảnh hưởng về lý thuyết, một khi cư dân mạng xôn xao câu hỏi “Liệu Việt Nam có bị ảnh hưởng không?” thì lại có vấn đề.
Philippines là quốc gia cũng nằm gần như cùng dải vĩ độ của Việt Nam và cũng không hơn gì Việt Nam về công nghệ vũ trụ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng nước này không ngồi yên để công chúng lo sợ.
Tổng cục Dịch vụ Thiên văn & Địa lý Khí quyển Philippines (PAGASA) lên truyền hình trấn an dân chúng bằng các tính toán không phải của họ mà là của quốc tế. Họ loan báo cho toàn dân biết xác suất để mảnh vụn của chiếc vệ tinh chết từ năm 2005 rơi xuống một người chỉ là 1/3.200 và rằng khả năng lớn chúng sẽ rơi xuống biển hoặc vùng đất trống.
Để làm yên lòng dân hơn, PAGASA còn trích dẫn thống kê 50 năm qua, chưa một mảnh vỡ vệ tinh nào gây hại cho con người trên mặt đất mặc dù hầu như năm nào cũng có mảnh vệ tinh rơi. Thậm chí vệ tinh Skylab của NASA nặng gấp 15 lần so với UARS cũng không gây hại gì khi nó rơi xuống một vùng hoang vu của Úc năm 1979 và nước này cũng chỉ phạt Mỹ 400 USD cho vui.
Thế mới biết, một cái cầu thông tin bắc giữa khoa học và trách nhiệm xã hội xem ra còn là mong ước xa xỉ, bất chấp, hằng năm, Chính phủ chi hàng nghìn tỷ tiền thuế của dân cho khoa học.