Khi từ thiện biến thành 'đấu tố'

TP - Không chỉ các “sao” của làng giải trí bị “soi” hoạt động từ thiện, ngay cả hoạ sĩ hay văn sĩ cũng trở thành đối tượng để người ta luận bàn. Bỗng dưng một việc làm mang mục đích và ý nghĩa nhân văn lại bị nhuộm màu tối. Có tài khoản thốt lên: “Giờ có trò đấu tố từ thiện, ai có chút tên tuổi mà không công bố thông tin ủng hộ, quyên góp thì bị “điểm danh” chỉ trích ngay”. Nhưng công bố chắc gì đã tránh khỏi “vạ”?

Xin lỗi Hến chưa?

Dân gian có câu ví von: “Câm như hến”. Trong cuộc chung tay khắc phục hậu quả siêu bão Yagi, một số nghệ sĩ nổi tiếng bị gắn biệt danh “Hến” vì cứ im lặng không chịu khai đã ủng hộ bao nhiêu, mà “check VAR” lại chẳng thấy tên. Sơn Tùng M-TP cũng bị kêu là Hến. Dù là một tên tuổi đình đám, sở hữu lượng fan và lực lượng “cày view” hàng đầu trong giới ca sĩ, song giọng ca “Lạc trôi” lại ít xuất hiện hay phát ngôn gây chú ý. Trong hoạt động từ thiện cũng vậy, do không “check VAR” được Sơn Tùng nên một số tài khoản hồ đồ lập tức gọi anh là Hến.

Trần Hải Minh nhận thư cảm ơn từ đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh

Nhưng Sơn Tùng lại thông qua quỹ Tấm lòng Việt, hỗ trợ 1,5 tỷ đồng để xây dựng điểm trường liên cấp Mầm non và Tiểu học mới cho thôn làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai), nơi chịu thiệt hại nặng nề vì bão lũ. Anh viết trên trang cá nhân: “Tùng hi vọng rằng ngôi trường mới này sẽ là một món quà thật ý nghĩa, giúp các em nhỏ nơi đây có thêm động lực để học tập, vượt khó và vươn đến một tương lai tươi đẹp hơn”.

Thực ra, chỉ những khán giả không quan tâm Sơn Tùng mới bất ngờ khi giọng ca “Lạc trôi” đóng góp cho giáo dục. M-TP Entertainment (công ty của Sơn Tùng) có hành trình “Dreams in the sky” với mục tiêu khuyến học, chắp cánh ước mơ, được công bố năm 2022, đánh dấu chặng đường 10 năm ra mắt khán giả của Sơn Tùng M-TP. “Dreams in the sky” từng đến với Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật, đến với các trường mầm non, tiểu học để thăm hỏi, ca hát, tặng quà… Không phải lần đầu tiên Sơn Tùng M-TP tài trợ xây trường học. Hồi tháng 10/2022, Sơn Tùng từng tới Điện Biên tham dự lễ khởi công xây dựng điểm trường mầm non Pú Súa, cụ thể, xây một khu nhà mới dành tặng các bé thơ.

Hoạ sĩ Trần Hải Minh bên bức tranh “Chuyển động 3”

Khi Sơn Tùng M-TP đã công khai hoạt động dành cho đồng bào vùng lũ thì không ít tài khoản yêu “sếp” Tùng bình luận: Bất ngờ chưa? Ai kêu Sơn Tùng là Hến đã hối hận chưa? Đã xin lỗi chưa? Có tài khoản đáp: Làm gì có thời gian để hối hận hay xin lỗi vì người ta còn mải “soi” thứ khác. Chẳng hạn, một tài khoản viết: “Ủng hộ vùng khó khăn sau bão thì mình cũng cảm ơn thay họ nhưng người Việt mà bày đặt dự án tên tiếng Anh nữa”. Hoặc có người lại phê: Từ thiện mà cứ lên báo, lên hẳn truyền hình?

Im lặng thì bị kêu là Hến, còn công khai hoạt động từ thiện thì bị xem là diễn. “Làm dâu trăm họ” khổ muôn bề. “Hào quang rực rỡ” cũng có lúc ngậm ngùi đắng cay. Lúc này có tài khoản lại nhớ đến phát gôn gây tranh cãi gay gắt của Trấn Thành: “Đời “nghệ sĩ” khó nuốt hơn quý vị nghĩ rất nhiều”.

Nỗi lòng của Họa sĩ có biệt danh “Công tước”

Bức tranh “Chuyển động 3” của họa sĩ Trần Hải Minh cuối cùng đã đấu giá thành công, thu về 1,1 tỷ 05 triệu đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban vận động cứu trợ TP Hồ Chí Minh đã cảm ơn và ghi nhận sự đóng góp này của người có biệt danh “Công tước” trong làng hội họa. Chỉ đến khi tranh đã có chủ, Trần Hải Minh mới thở phào nhẹ nhõm. Những đồng nghiệp gần gũi với anh cũng mừng cho “Công tước”.

Hiện nay các họa sĩ tên tuổi ở ta cũng hay bị “soi” khi làm từ thiện. Họa sĩ không góp tiền mà thường góp tranh để đấu giá làm từ thiện. Có những cuộc đấu giá tranh do các đơn vị, tổ chức đứng ra kêu gọi ủng hộ cầm trịch song cũng có những cuộc đấu giá tranh tự phát, do họa sĩ tự làm. Nhưng bức tranh có giá khởi điểm 1 tỷ đồng hình như chưa từng xuất hiện ở các cuộc đấu giá tranh vì mục đích thiện nguyện. Trần Hải Minh bị mỉa mai, giễu cợt vì thế. Nếu bức “Chuyển động 3” của Trần Hải Minh không có ai mua thì điều gì sẽ xảy ra với họa sĩ biệt danh “Công tước”? Chắc chắn là “mưa đá” sập nhà. Họa sĩ Nguyễn Thắng, họa sĩ Trần Lưu Mỹ hiểu rõ hơn cả nỗi lòng và áp lực của họa sĩ Trần Hải Minh khi bức tranh chưa bước vào đấu giá, chỉ công bố thông tin bùng nổ: Giá khởi điểm 1 tỷ đồng. Bây giờ, cơn “bão miệng” đã bị đẩy lùi, Nguyễn Thắng tâm sự: “Trong những ngày ấy, Trần Hải Minh liên tục gọi điện cho Trần Lưu Mỹ và tôi. Anh bị “sốc” trước nhân tình thế thái”.

Giọng ca “Lạc trôi” đến với trẻ thơ vùng cao

Cho nên, Hà Đỗ, một người Việt đang sống và làm việc ở thành phố Cambridge, Vương quốc Anh, xứng đáng được vỗ tay, khi đã bỏ tiền sưu tập bức “Chuyển động 3”. Hà Đỗ chia sẻ: Chị đã theo dõi Trần Hải Minh khi anh đang hoạt động nghệ thuật ở Berlin (Đức) nhưng chưa từng sở hữu tranh của anh. Lần này, chị rung động với “Chuyển động 3” nên đã tham gia đấu giá. Hà Đỗ nói rõ ràng: Chị đấu giá vì thích “Chuyển động 3”, muốn sở hữu nó để lưu giữ rung cảm đặc biệt từ đường nét, màu sắc của tranh, còn với đồng bào vùng lũ chị đã đóng góp ngay khi nghe tin đau thương từ đất mẹ. Nhà sưu tập cũng bày tỏ: Chị chỉ treo những bức tranh mà bản thân yêu thích. Với những tác phẩm phải bỏ ra số tiền lớn thì nó phải thực sự giá trị với nhà sưu tập thì mới quyết định mua. Điều này, lại đập tan những ý nghĩ cho rằng: Nhà sưu tập mua “Chuyển động 3” không phải vì bản thân tác phẩm mà chỉ vì muốn chung tay giúp đỡ đồng bào vùng lũ. Việc đấu giá một tác phẩm nghệ thuật bị đối xử khác với việc chiếc khăn hiệu Fendi của Đàm Vĩnh Hưng được bố chồng Tăng Thanh Hà, doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn chốt 500 triệu đồng. Sau đó, vài fan của Đàm Vĩnh Hưng quyết định tặng thêm 500 triệu đồng nữa, nâng giá chiếc khăn lên tới 1 tỷ đồng. Chiếc khăn được mua 1 tỷ đồng thì không thấy ai luận bàn, bức tranh có giá khởi điểm 1 tỷ đồng lại bị gièm pha. Đừng hỏi vì sao họa sĩ đau.

Nhưng cũng đừng thấy có bức tranh đấu giá thành công tỷ đồng lại “soi” những họa sĩ tặng tranh có kích thước nhỏ để làm thiện nguyện. Gần đây, chất liệu tranh cũng bị mang ra để chê trách người tặng: Tặng hẳn bức sơn dầu hay sơn mài chứ ai lại “ki bo” tặng tranh giấy? Nhưng có họa sĩ chỉ chuyên vẽ tranh giấy thì sao? Chưa kể mỗi họa sĩ có quan điểm riêng khi tham gia hoạt động thiện nguyện. Đừng mang tiền để đo lòng người cầm cọ, sẽ tổn thương họ sâu sắc. Họa sĩ Đỗ Đức, người thường xuyên tặng tranh giấy cho các cuộc đấu giá vì mục đích thiện nguyện, tâm sự: “Đóng góp ít nhiều đều vui. Ủng hộ thiên tai thì bao nhiêu là đủ? Chúng ta cố tí nào hay tí ấy thôi”.

Sơn Tùng M- TP với chuỗi dự án chú trọng giáo dục

Ngồi không lại hay góp ý?

Nghệ sĩ không đứng ngoài lề cuộc sống. Khi thiên tai đổ xuống bất kỳ vùng miền nào của Tổ quốc, nghệ sĩ cũng đều chung tay khắc phục hậu quả. Nhưng không phải lúc nào họ cũng được khích lệ tinh thần thiện nguyện. Hà Anh Tuấn và Trấn Thành là những “sao” đầu tiên “được” cộng đồng mạng “check VAR”. Họ tìm ra Trấn Thành ủng hộ đồng bào vùng lũ 200 triệu đồng. Nhưng sao kê do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố, lại không có tên Hà Anh Tuấn. Chẳng qua người chăm “check VAR” lại không biết Hà Anh Tuấn hưởng ứng phát động của Trung ương Đoàn đã ủng hộ 1 tỷ đồng, cùng tuổi trẻ cả nước chung tay khắc phục hậu quả thiên tai. Hay chuyện diễn viên Phương Oanh và chồng đại gia bị chế giễu “phông bạt” khi làm từ thiện. Qua 12.000 trang sao kê không tìm thấy thông tin giao dịch 500 triệu đồng từ chồng đại gia của Phương Oanh làm một bộ phận cư dân mạng sục sôi. Sau đó, để giải oan cho chồng và cho mình, nữ diễn viên đã chia sẻ ảnh chụp thư cảm ơn từ Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Trong thư xác nhận vợ chồng Phương Oanh đã ủng hộ số tiền đúng như họ công bố. Nhưng liệu người ta có hối hận khi vội vàng “tấn công” vợ chồng Phương Oanh? Giống như có hối hận khi gắn cho Sơn Tùng M-TP biệt danh Hến? Một tài khoản bình luận: “Người góp của, người góp công, kẻ ngồi không lại hay góp ý”.

Chẳng bằng anh “Lạc trôi”

Facebook của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thu hút không kém gì một “ngôi sao” làng giải trí. Có những bài viết của ông hút đến ngàn lượt thích và thả tim cùng rộn ràng bình luận. Ông công khai số tiền mà Hội Nhà văn quyên góp được cho đến 12 giờ ngày 17 tháng 9 là 814 triệu đồng. Rất nhiều bình luận tích cực ngay sau bài viết của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Tình người được lan toả, thật ấm áp”; “Nghĩa cử cao đẹp”; “Dù ít dù nhiều tấm lòng hướng về bà con vùng lũ của các nhà văn thật đáng trân trọng”… Nhưng trong cuộc chuyện phiếm, phóng viên ghi nhận một vài người cầm bút của làng văn lại mỉa mai chính Hội của mình: “Cả Hội Nhà văn góp sức không bằng một Sơn Tùng M-TP. Thế mới thấy nhà văn nghèo”. Vì chuyện chung tay khắc phục hậu quả siêu bão, người cầm bút lại nghẹn ngào thêm. Ngay cả Sơn Tùng M-TP chắc chắn cũng không thích kiểu so sánh này! Ai lại biến hoạt động từ thiện thành cuộc đua giàu - nghèo?